23h, gia đình chị Nguyễn Thu Hằng (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) vẫn ầm ĩ tiếng mẹ quát mắng xen lẫn tiếng cô con gái học lớp 1 khóc mếu. Tình trạng này diễn ra nhiều tuần nay. Cứ mỗi buổi tối dạy con học chữ, chị Hằng thấy căng thẳng, hai mẹ con “đánh vật” học thuộc từng âm tiết, đánh vần từng chữ cái.
Theo yêu cầu của chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt 1, mỗi ngày, con sẽ được cô giáo dạy học 2 âm, sau đó ráp âm lại thành tiếng rồi đọc, viết. Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần tới trường (17 ngày đi học) con vẫn luôn nhầm lẫn giữa d - đ, x - s, i - y, p - q... học được chữ nọ lại quên chữ kia.
"Thời gian đầu con tiếp thu bài chậm, tôi rất lo lắng. Có lúc tôi bị stress vì nghĩ rằng con mình không thông minh, học kém hơn các bạn. Tuy nhiên, sau khi trò chuyện thêm với các phụ huynh khác để học hỏi kinh nghiệm, tôi mới phát hiện hầu hết các bố mẹ khác trong lớp cũng đang căng thẳng trong việc dạy con học chữ", chị Hằng chia sẻ.
Học sinh lớp 1 hăng hái giơ tay phát biểu bài.
Năm học mới này, cậu con trai đầu vào lớp 1, chị Lê Phương Chinh (Đoan Hùng, Phú Thọ) không phải chật vật cùng con học chữ mỗi ngày nên gia đình xác định năm nay không cho cô con gái thứ hai đi học Tiếng Việt trước.
Chị nghĩ sách giáo khoa viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được giảm tải kiến thức, không học nặng như trước đây. Do đó, vị phụ huynh quyết định để con vào lớp 1 tự học chữ trên lớp.
Tuy nhiên, chị lo lắng khi sách Tiếng Việt 1 năm nay không dạy vỡ lòng như trước mà đi ngay vào đọc, viết luôn. Nội dung kiến thức sách giáo khoa thiết kế với tốc độ học rất nhanh, cứ một buổi học 2 âm, sau đó ghép vần và viết chính tả luôn. Hết tháng đầu tiên đi học mà các em được yêu cầu phải đọc một đoạn văn dài.
Đều đặn mỗi tối ngồi vào bàn học, con gái chị Chinh lại tỏ ra chán nản và uể oải. Con vừa đánh vần chữ, vừa ngáp ngủ. Ví dụ, mẹ đọc mẫu chữ A thì con theo lời nói to chữ A nhưng sau khi con ghi nhớ, tập viết vào vở và đánh vần ráp âm thì lại quên cách đọc. Ngày nào cũng dạy con học 2 - 3 tiếng học ở nhà, chị Chinh cảm thấy bế tắc và giải thích: "Tôi càng giải thích, càng gặng hỏi thì con càng căng thẳng, cứ thế mẹ gào con khóc mếu liên tục".
Nhiều phụ huynh lo lắng về yêu cầu "đọc hiểu" được đặt ra quá sớm khi trẻ còn đang học ghi nhớ từng chữ "i tờ". Đa số ý kiến cho rằng chương trình môn Tiếng Việt 1 quá nặng, không phù hợp với năng lực của học sinh, họ đề nghị Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh nội dung trong thời gian tới.
Giáo viên nói gì?
Sau gần 1 tháng triển khai dạy sách giáo khoa mới, bên cạnh những ý kiến cho rằng phù hợp và có tính đổi mới cao thì một số giáo viên tiểu học đánh giá môn Tiếng Việt 1 quá nặng, các cô thường xuyên nhắn tin nhờ phụ huynh kèm thêm buổi tối.
Cô Nguyễn Thu Lan, giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học quận Hà Đông, Hà Nội cảm thấy áp lực với khối lượng kiến thức trong môn Tiếng Việt 1. Cô so sánh với chương trình cũ, mỗi bài Tiếng Việt, học sinh chỉ học một chữ hoặc âm, nhưng trong sách mới mỗi bài sẽ có từ 2 đến 3 chữ, gồm cả âm ghép.
Học sinh lớp cô Lan có hai "nhóm" rõ rệt. Những em đã học Tiếng Việt trước khi vào lớp 1 thì việc học rất nhẹ nhàng, chủ yếu chỉ cần tập trung luyện chữ đẹp và đọc trôi chảy. Còn những em chưa học trước, đến lớp mới được cô dạy chữ thì rất lúng túng, đuối hẳn vì không tải hết được kiến thức trong một bài. Hầu như ngày nào cô Lan cũng phải xin thêm giờ để kèm những bạn yếu hơn.
Cô Lan đánh giá, môn Tiếng Việt 1 có tốc độ dạy học chữ rất nhanh. Một bài học sẽ gồm nhận biết mặt chữ cái, ráp âm, vần, học thuộc chữ, viết chữ và đọc câu văn cuối bài...
Thời lượng mỗi tiết học 30 - 35 phút không đủ để các em vừa đọc vừa viết. Để đuổi theo chương trình, cô Lan thường xuyên nhắn tin nhờ phụ huynh kèm con học chữ buổi tối.
Giáo viên dạy học sinh lớp 1 đánh vần.
Đồng quan điểm, cô Cao Thị Liễu, giáo viên một trường tiểu học ở Hoà Bình đánh giá, nội dung môn Tiếng Việt 1 khá nặng. Đặc biệt là phần âm, chương trình chỉ dành 5 tuần để hoàn thành. Với học sinh lớp 1 vừa từ lớp mầm non lên, việc phải tiếp thu ngay một khối lượng kiến thức như vậy là rất khó.
Trong khi đó, cô Lương Ngọc Thuý, giáo viên tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Dù có thiết kế và thay đổi cách tiếp cận thế nào thì học sinh đều phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình mới không thể thêm chữ nào, vần nào vào tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ.
Theo cô Thuý, phụ huynh không nên nản lòng với hiện tượng con lơ là thiếu tập trung. Cần hiểu rằng, trẻ 6 tuổi chỉ có khả năng tập trung trong khoảng thời rất hạn chế (khoảng 10 - 30 phút). Phụ huynh cần phối hợp giáo viên để cùng dạy con đọc, viết… đúng cách, hiệu quả ngay tại nhà.
Tăng số tiết nhưng không tăng nội dung
Trước phản ánh của phụ huynh, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, kiến thức lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung vào mục tiêu chính giúp trẻ đọc thông viết thạo càng sớm, càng tốt. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, các em học môn Tiếng Việt rất nhiều.
Với môn Tiếng Việt lớp 1 mới, dù thời lượng được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết nhưng nội dung kiến thức không cao hơn so với chương trình trước đây. Như vậy, về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn.
"Nếu phụ huynh có con học lớp 1 năm ngoái rồi năm nay lại có con học lớp 1 sẽ dễ có tâm lý so sánh, từ đó đánh giá chương trình nặng, nhưng thực tế không phải vậy. Bộ GD&ĐT đang cố gắng bố trí để các em đọc thông viết thạo sớm rồi mới tính đến việc cho các em học tốt môn khác ở giai đoạn sau. Chẳng hạn với môn Toán, ở chương trình cũ chỉ có 70 tiết ở lớp 1 nhưng sẽ được tăng lên học nhiều hơn ở các lớp sau", ông Tài nhấn mạnh.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Song song với triển khai, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, phản biện, vấn đề phát sinh liên quan đến nội dung sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi có đầy đủ căn cứ khoa học, qua các giai đoạn, đánh giá nhiều mặt, chương trình sẽ được điều chỉnh kịp thời.
Ông Tài cho biết thêm, trong chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ quy định chuẩn đầu ra, thời lượng môn học. Còn giáo viên sẽ tự chủ căn cứ vào khung chuẩn để phân tích chương trình, sách giáo khoa xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp làm sao để học sinh đạt được chuẩn đầu ra.
"Do vậy, việc đánh giá chương trình Tiếng Việt lớp 1 nặng lúc này là không đủ căn cứ xác đáng. Chương trình đã được thẩm định bởi hội đồng quốc gia và được đưa vào cuộc sống với quy định rất chặt chẽ", ông Tài cho biết thêm.
Không chỉ lo lắng chương trình học quá nhiều, phụ huynh cũng than phiền các câu chuyện, bài đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 rất khó đọc, nội dung không hay, chưa thật sự phù hợp với học sinh.
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, học sinh lớp 1 chỉ vừa qua bậc mầm non, nên học mà chơi, chơi mà học. Yêu cầu về học chữ, tập viết đối với trẻ ở độ tuổi này chỉ dừng lại ở mức vài dòng, không nên đặt yêu cầu quá cao như em cần viết đẹp, đúng ô li… Không nên ép học sinh đọc thông, viết thạo càng sớm càng tốt, gây căng thẳng cho các em.