Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trẻ chưa biết chữ, có nên cho học tiếng Anh?

(VTC News) -

Việc cho trẻ học tiếng Anh từ sớm có nhiều mặt lợi, nhưng nếu cha mẹ không có phương pháp giảng dạy hiệu quả thì sẽ khiến trẻ bị áp lực hoặc rối loạn ngôn ngữ.

Hiện nhiều gia đình đều cho con đi học ngoại từ rất sớm, có trẻ mới hai tuổi. Các ý kiến cho rằng, việc này mang đến cả lợi và hại. Tuy nhiều điều đáng nói là sự kỳ vọng quá mức của phụ huynh có thể khiến tuổi thơ của con không được trọn vẹn.

Mất tuổi thơ vì học tiếng Anh sớm

Sau một ngày học tập vất vả tại trường, Vũ Phương Thảo (8 tuổi, Hà Nội) uể oải trên quãng đường từ trường về nhà dài gần 10km. Đường tắc, ngồi trên xe, Phương Thảo liên tục hỏi bố, tối nay có phải đi học tiếng Anh nữa không? Bố nói tuần này con học 3 buổi tiếng Anh tại trung tâm và hai buổi gia sư tại nhà. Phương Thảo hỏi vậy thôi chứ thực ra cô bé đã quen với lịch học như thế từ khi học mẫu giáo 5 tuổi. Em hỏi vì nghĩ biết đâu bố thay đổi quyết định hoặc cô gia sư hôm đó có việc bận không đến.

Khi Thảo mới 5 năm tuổi, bố mẹ đã không tiếc tiền đầu tư cho em học ngoại ngữ. Ban đầu việc học được lồng ghép với giờ vui chơi. Điều này làm Thảo đi học thấy rất hào hứng vì có các bạn cùng trang lứa. Ở lớp học đó, Thảo và các bạn được học phản xạ tiếng Anh qua giao tiếp. Chẳng hạn cô giáo chỉ vào chiếc bàn và gọi tên bằng tiếng Anh, học sinh sẽ đọc theo và ghi nhớ. Thảo vui vì được học như vậy.

Lên học cấp I, gia đình quyết định Thảo theo học ở một trường quốc tế để nâng cao vốn ngoại ngữ. Bố mẹ em còn gửi con đến trung tâm gia sư luyện tiếng Anh nâng cao trình độ. Thay vì học mà chơi, chơi mà học, Phương Thảo được dạy theo kiểu dập khuôn. Điều này làm em cthấy mệt mỏi và chán học.

Lịch học kín mít nên Thảo không có thời gian vui chơi như những đứa trẻ khác. Điều đáng lo là em có dấu hiệu của bệnh rối loạn ngôn ngữ. “Em nhìn cái bàn. Em biết rõ đó là cái bàn nhưng em không thể gọi tên đấy là cái bàn bằng tiếng Việt”, Thảo chia sẻ.

Học tiếng Anh thông qua câu chuyện giúp trẻ nhớ lâu hơn. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện của Thảo cũng là thực trạng đang diễn ra ở nhiều gia đình khác, khi họ đang đặt nhiều kỳ vọng và đầu tư cho con học ngoại ngữ từ nhỏ.

Theo chị Trần Thị Thanh, phụ huynh có con đang học tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, tiếng Anh rất quan trọng nhưng việc dạy tiếng Anh sớm không nên áp dụng cho mọi đứa trẻ tại Việt Nam. Nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn ngôn ngữ vì bố mẹ cho con học tiếng Anh trước tiếng Việt. Điều này thể hiện ở việc trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp với người thân, bạn bè bằng tiếng Việt, diễn đạt và vốn từ hạn chế.

Dạy trẻ học tiếng Anh thế nào?

Theo giới nghiên cứu, cũng như các loại cơ, bộ não sẽ hoạt động tốt hơn khi liên tục vận động. Việc học ngôn ngữ liên quan đến khả năng ghi nhớ các quy tắc và từ vựng, từ đó giúp tăng cường các cơ thần kinh.

Nghiên cứu do tiến sĩ Pascual-Leone, giáo sư y khoa tại trường Harvard cho thấy, việc học ngôn ngữ thứ hai có thể làm chậm quá trình lão hóa của não bộ. Người học càng trẻ tuổi, khả năng bắt chước các âm thanh và cách phát âm của họ càng tốt.

Những trẻ học ngoại ngữ sớm khả năng đồng cảm tốt hơn, có sự tò mò về những nền văn hóa và ý tưởng mới. Bên cạnh đó, trẻ cũng có chỗ đứng tốt hơn trong xã hội và nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.

Cho học tiếng Anh sớm, cha mẹ tá hỏa vì con bị rối loạn ngôn ngữ.

Thầy Nguyễn Tuấn Hải, người sáng lập trường Tiểu học Reggio Emilia Hà Nội chia sẻ bí quyết tự dạy con học tiếng Anh hiệu quả tại nhà. Theo đó trẻ nên bắt đầu học tiếng Anh ở nhà khi bước vào tuổi lên 3. Cách học tốt nhất là nghe, nhằm tạo ra môi trường phát âm bản ngữ cho con ngấm vào não bộ dưới dạng tín hiệu.

Trẻ 3 tuổi bắt đầu phát triển khả năng tiếp nhận mạnh mẽ qua các giác quan. Sau nghe là khai thác về hình ảnh.

“Dùng các video ngắn có các đoạn hội thoại bằng tiếng Anh để giúp các bé tiếp xúc và hình thành nên các nhận thức ban đầu về giao tiếp và tương tác giữa người với người”, thầy Hải khuyên.

Theo bạn có nên cho trẻ học tiếng Anh sớm? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

VŨ NINH

Tin mới