Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trẻ bị bệnh mãn tính, dị ứng có được tiêm vaccine ngừa COVID-19?

(VTC News) -

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi trẻ mắc các bệnh lý nền, bệnh mãn tính, dị ứng có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19?

Tại chương trình Độc giả hỏi - Bác sĩ trả lời với chủ đề "Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em: Băn khoăn và giải đáp" do VTC News tổ chức ngày 5/11, TS BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng phòng khám tư vấn tiêm chủng, khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tỷ lệ trẻ em tử vong do COVID-19 không cao so với người lớn song có ảnh hưởng về lâu dài của dịch với thể chất, tinh thần của trẻ.

Hiện nay, các nước trên thế giới đang tích cực triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em 12 - 18 tuổi. Một số nước cũng tiêm cho trẻ 5 - 12 tuổi, thậm chí từ 2 tuổi trở lên. 

TS BS Lê Kiến Ngãi, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hiện, Bộ Y tế đang đặt mục tiêu phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 95% trẻ trong lứa tuổi này.

Theo BS Ngãi, quy trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và người lớn cơ bản giống nhau. Điều cần lưu ý đầu tiên để trẻ từ 12-17 tuổi được thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19 là cha mẹ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng và nắm rõ các trường hợp nên và không nên tiêm.

Trong quá trình triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, Hội đồng Y tế của Bộ Y tế đưa ra các hướng dẫn cụ thể với phương châm tạo điều kiện độ phủ rộng nhất và đảm bảo an toàn. Đặc biệt, khi trẻ em tham gia tiêm cần khám sàng lọc kỹ lưỡng các yếu tốt về bệnh lý, thể trạng.

Bộ Y tế phân ra 4 nhóm chỉ định trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em.

Thứ nhất, nếu trẻ có phản vệ với vaccine đã tiêm lần trước đó thì không nên tiêm. Tuy nhiên, hiện trẻ ở Việt Nam chưa từng tiêm vaccine COVID-19 trước đó, điều này đồng nghĩa hầu hết các em sẽ được tiêm. Nếu trẻ nào có phản vệ với các thành phần trong vaccine COVID-19 thì sẽ không được tiêm.

Thứ hai, các cơ sở tiêm chủng chỉ hoãn tiêm vaccine cho trẻ trong trường hợp đang bị nhiễm trùng cấp tính hoặc đang trong quá trình điều trị các bệnh mãn tính.

Thứ ba, nhóm thận trọng - tất cả nhân viên y tế cần thận trọng khi tiêm vaccine cho trẻ bị dị ứng, rối loạn hành vi, rối loạn tri giác.

Thứ tư, nhóm trẻ tiêm trong bệnh viện. Các trẻ thuộc nhóm này có bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính cần tiêm trong bệnh viện để được theo dõi sức khoẻ tốt hơn sau tiêm.

Trước những lo ngại của phụ huynh về mức độ an toàn khi cho trẻ tiêm vaccine ngừa COVID-19, BS Ngãi nhấn mạnh, để phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa “5K” thì việc phòng ngừa chủ động bằng vaccine là biện pháp rất cần thiết và phù hợp nhất lúc này.

Thông tin thêm về các loại vaccine được tiêm cho trẻ, BS Ngãi cho biết, hiện vaccine Comirnary của hãng Pfizer-BioNTech được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt sử dụng từ 31/12/2020.

Ngay từ khi được đưa vào sử dụng, vaccine Comirnary đã được đề xuất sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên với liều như người lớn (liều 0,3ml chứa 30mcg vaccine ). Hiện hãng này đang nộp hồ sơ xin phê duyệt thử nghiệm vaccine cho các nhóm trẻ 6 tháng - 2 tuổi và  2 - 5 tuổi.

Tại Việt Nam, vaccine này cũng được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tiêm cho trẻ em từ cuối tháng 10/2021.

Vaccine thứ 2 được Bộ Y tế sử dụng tiêm cho trẻ là Moderna của hãng Moderna (Mỹ) được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Vaccine được đánh giá là có hiệu quả và tác dụng phụ tương tự như đã gặp ở người lớn. Moderna đang tiếp tục thử nghiệm vaccine ở nhóm trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi.

Ngoài vaccine Pfizer và Modena, hãng Sinopharm (Trung Quốc) đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu vaccine Verocell cho nhóm trẻ từ 3 - 17 tuổi với thông báo kết quả thử nghiệm rất nhiều triển vọng. Còn lại, các vaccine khác như: AstraZenneca, Novavax, Sputnik cũng đang hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và sẽ công bố khi có kết quả.

Minh Khôi

Tin mới