Để giúp trẻ thoải mái hơn trước, trong và sau tiêm chủng, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên trao đổi với trẻ về tầm quan trọng của tiêm vaccine COVID-19. Cha mẹ cũng nên cho con ăn uống đầy đủ, tránh bị đói, khát trước khi tiêm, thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2.
Trẻ cũng không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vaccine khác, đồng thời không dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống.
Cha mẹ cũng nên chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm và mang theo sổ tiêm chủng của trẻ.
Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi đồng loạt tại 63 tỉnh/thành ngay khi có vaccine về. (Ảnh minh hoạ: Suckhoedoisong.vn)
Theo dõi trẻ sau tiêm
Theo Bộ Y tế, sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có. Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Trong đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm.
- Không nên cho trẻ uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
- Nếu thấy trẻ sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ cho trẻ sau 30 phút.
Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, cha mẹ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.