Chiều 21/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước cho 70 người Lào cư trú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nhập quốc tịch Việt Nam.
70 người được nhập quốc tịch Việt Nam là công dân các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bolykhamxay (Lào). Đây là những trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú và đến sinh sống ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
Hầu hết trong số này đều có cuộc sống ổn định, có nhà ở, đất canh tác ở nơi cư trú. Tuy nhiên tất cả đều không có hộ tịch, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân. Thực trạng này không những làm cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn mà còn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp ở khu vực biên giới.
Buổi lễ trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho 70 công dân Lào.
Việc cấp quốc tịch cho 70 người này nằm trong thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước đã được kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và Lào.
Đây là thỏa thuận mang ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người không quốc tịch, có thời gian sinh sống, gắn bó lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Qua đó góp phần phòng chống, ngăn chặn tái di dịch cư, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Theo danh sách, toàn tỉnh Nghệ An có 202 trường hợp người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép cư trú tại Việt Nam, sinh sống tại 4 huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông. Trong đó, huyện Kỳ Sơn có 107 trường hợp, Quế Phong có 35 trường hợp, Con cuông có 1 trường hợp và huyện Tương Dương có 59 trường hợp.
Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sự kiện này đánh dấu mốc lớn đối với từng cá nhân nói riêng và đối với chính quyền địa phương nói chung, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với những người không quốc tịch có thời gian sinh sống, gắn bó lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những người này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam- Lào. Tạo điều kiện thuận lợi cho họ ổn định cuộc sống, hòa nhập với đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời tạo nền tàng cho họ giữ vững ổn định, chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới.