Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tranh luận việc tăng trần nợ công để hỗ trợ kinh tế, ĐBQH lo ngại rủi ro

(VTC News) -

Trước đề xuất tăng trần nợ công, nhiều Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cần thận trọng, vì việc này có thể tăng quy mô dư nợ.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Trong đó, đề xuất về việc tăng trần nợ công gây được nhiều chú ý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng, việc nới mức trần nợ công để hỗ trợ kinh tế sẽ khiến quy mô dư nợ đến 2025 tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro lớn cho an ninh tài chính.

Theo ông Toàn, tăng trần nợ công lên 51% GDP là mức tăng sẽ khiến dư nợ công đến 2025 tăng lên gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia. (Ảnh: Quochoi.vn).

Ông Toàn lập luận, nếu nhìn vào tỷ lệ nợ công trên GDP, quy mô 44% có thể thấp, nhưng con số này đạt được chủ yếu là do việc điều chỉnh lại số liệu GDP tăng thêm hơn 1 triệu tỷ đồng. "Tỷ số nhìn có vẻ thấp nhưng là vấn đề cần hết sức quan tâm".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đến 2021, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ 25% GDP, tức là cứ 4 đồng chi tiêu thì có 1 đồng chi cho trả nợ. Ông Toàn cho rằng đây là nội dung cần quan tâm trong an ninh tài chính quốc gia.

Ngoài ra, trong giai đoạn 10 năm gần đây, quy mô nợ công cũng tăng liên tục. Tốc độ tăng nợ bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 18,1%, trong nhiệm kỳ 5 năm gần nhất, mức tăng rút xuống còn hơn 6,5%. Nếu căn cứ theo mục tiêu tăng nợ trung bình khoảng 11% cho nhiệm kỳ này, quy mô nợ công có thể đạt 6,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025.

"Đây là vấn đề cần hết sức thận trọng. Chúng ta cần có chương trình phục hồi kinh tế nhưng cần tính toán dư địa chính sách, tránh rủi ro", ông Toàn nêu quan điểm.

Trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay cũng xác định tăng 11%, nếu tăng trần nợ công lên 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ”, ông Toàn phân tích và đề nghị hết sức thận trọng.

Ông Toàn bày tỏ, đồng ý cần có chương trình phục hồi kinh tế, song vẫn cần tính toán dư địa tài chính, tiền tệ một cách có cân nhắc để tránh rủi ro cho phát triển bền vững nền kinh tế về sau.

Trước đó, nhiều ý kiến đề xuất việc tăng trần nợ công để hỗ trợ nền kinh tế.

Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) cho rằng, đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá căn cơ tổng nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế như thế nào để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước để từ đó đưa ra các gói kích thích kinh tế để lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được các mục tiêu.

Theo đại biểu, thời gian tới công tác triển khai mục tiêu kép yếu tố nguồn lực là tiên quyết. Vì vậy, ngoài các nguồn lực hiện nay, đại biểu đề xuất có thể tăng thêm mức bội chi ngân sách.

Hiện nay, bội chi năm 2021 là gần 344 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP; dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373 nghìn tỷ cũng bằng khoảng 4%GDP. Trong khi đó tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526 nghìn tỷ. Mặt khác, do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so với Trung ương giao. Như vậy dư địa bội chi theo luật là còn khoảng ít nhất là 153 nghìn tỷ.

Tiếp đó là có thể nâng mức nợ công. Hiện nay, trần nợ công của nước ta quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chỉ mới đạt khoảng 44-45% GDP. Như vậy là hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn để vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân...

Ngày 8/11, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cũng đề xuất nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.

Cũng bàn về vấn đề hồi phục kinh tế, phát biểu từ điểm cầu TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, cần tăng cường quản lý và kiểm soát giá cả, không để đầu cơ làm cho lạm phát cao tăng trở lại.

Ngoài ra, ông Ngân cũng cho rằng cần tập trung giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch và hiệu quả. Năm 2022, kế hoạch đầu tư công lên đến 526.100 tỷ đồng, đây vừa là cơ hội vừa là thử thách lớn. Theo ông Ngân, nếu cần tăng đầu tư công lên nữa thì cần chú ý đến yếu tố giải ngân và xem xét ưu tiên đầu tư các khu vực trọng tâm, trọng điểm, có tính lan toả.

Để tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, ông Ngân cho biết cần huy động vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong dân là gần 2 triệu tỷ đồng. Muốn vậy, cần gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp từ 2-3% và kéo dài trong 2 năm. Như vậy sẽ cần 40.000 - 60.000 tỷ đồng, nguồn này có thể lấy từ đầu tư công mà chưa phân bổ.

CÔNG HIẾU - HOÀNG THỌ

Tin mới