Sau khi xuất hiện đoạn clip ghi lại vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) ngày 18/2, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về nghi vấn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thiếu an toàn do chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách cứng.
Trên mạng xã hội, tài khoản Minh Anh nhận định, cao tốc ngày càng nhiều là nỗ lực đáng ghi nhận, hạ tầng giao thông mỗi năm một tốt hơn cũng không thể phủ nhận. Nhưng cao tốc chỉ mỗi bên 1 làn xe (2 làn ngược chiều) không dải phân cách, không trạm dừng nghỉ hay chưa có làn dừng khẩn cấp...vẫn là điều khó chấp nhận.
Theo tiêu chuẩn thì đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt. Nếu đúng vậy thì tuyến đường xảy ra tai nạn trên không phải là cao tốc và cần phải cảnh báo rõ ràng để tài xế không chủ quan”, tài khoản Minh Anh viết.
Tương tự, tài khoản Ben Nguyễn cho rằng, đường cao tốc 2 làn xe (không có dải phân cách cứng) thường được mở những điểm vượt theo đoạn, nhưng nguy hiểm ở chỗ các điểm vượt kết thúc đột ngột, tài xế rất dễ gặp nguy hiểm khi đường trở về 2 làn như cũ.
“Mũi tên chỉ dẫn trên đường quá gần điểm thu hẹp, ai đi không quen đường đều bất ngờ ở đoạn này. Nếu có thêm 2 hoặc 3 cái mũi tên chỉ dẫn trên đường ở các đoạn trước đó thì hợp lý hơn”, tài khoản Anh Tuấn đề xuất.
Tài khoản Ngô Xuân Thắng nêu quan điểm: “Tài xế đi ẩu thì đúng rồi. Nhưng trên phương diện quản lý, mỗi yếu tố bất lợi sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn. Cao tốc Cam lộ - La sơn chỉ khác đường quốc lộ là cấm xe 2 bánh. Quy mô thì chưa phải đường cao tốc vì đang là giai đoạn phân kỳ đầu tư do nguồn lực còn hạn chế. Sắp tới hy vọng Chính phủ sẽ sớm cho mở rộng thành quy mô hoàn chỉnh cho đồng bộ”.
“Mình đi qua đoạn đường này nhiều lần rồi và có lần suýt gặp nạn. Cao tốc này đúng là cần tay lái phải cứng khi một làn đường nhiều đoạn thắt cổ chai, dốc nhiều che khuất tầm nhìn từ xa, xe tải nặng gặp dốc là ì ạch bò lên, nhiều khi gây ảo giác đang lên dốc mà cứ nghĩ xuống dốc, đạp ga kịch sàn mà không vượt qua được 50km/h”, tài khoản Phạm Hiếu chia sẻ trải nghiệm.
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2.
Bên cạnh những ý kiến phân tích về bất cập trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thì cũng có nhiều phân tích cho rằng, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông phần lớn đến từ ý thức của người lái xe, còn hạ tầng giao thông chỉ là một phần, ngay cả các tuyến đường đủ tiêu chuẩn cũng thường xuyên xảy ra các tai nạn nghiêm trọng do lỗi từ tài xế.
"Chuyến xuyên Việt vừa rồi mình cũng lái qua cao tốc Cam Lộ, mỗi chiều chỉ có một làn, một đoạn lại mở rộng thêm một làn cho các xe tránh nhau. Đường lần đầu đi qua nên mình lái đúng tốc độ và quan sát biển báo.
Trước mỗi làn đường mở rộng/ thu hẹp - được phép/ không được phép vượt đều có biển chỉ dẫn rất rõ. Anh đã bỏ qua khúc được vượt lần này thì anh phải đợi nhiều km sau mới đến đoạn được vượt tiếp theo.
Đọc comment trên nhiều post về vụ tai nạn, đa phần comment nói sao cao tốc chỉ có một làn nhưng thực tế với người đã chạy qua con đường đó mình thấy chẳng có lý do gì biện hộ cho lái xe cả. Việc được lái xe tham gia giao thông thì cần học luật và thi bằng lái. Ra ngoài ngồi sau vô lăng thì phải chịu trách nhiệm cho mình và nhiều người. Lái xe không có sửa sai", nickname Ngoc Ha Nguyen thẳng thắn nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều tài khoản cho biết, trước khi vào đoạn 2 làn để vượt xe thì cơ quan chức năng cũng cắm bảng lớn cấm vượt rõ ràng, ai vượt đoạn đường này tức là đã vi phạm luật.
Facebooker Nguyễn Đăng viết: “Về nguyên tắc ai đi từ đường nhánh vào cao tốc đều phải quan sát trước và nhường đường cho các phương tiện đang lưu thông trên hai làn chính vì các phương tiện này có tốc độ cao hơn. Các xe đi từ đường nhánh vào đường chính vẫn còn một đoạn tương đối dài để tiếp tục đi thẳng và quan sát trước khi nhập làn. Còn đoạn giảm từ 2 làn xuống 1 thì chắc chắn đã có cảnh báo từ vài trăm mét trước rồi, tài xế có quan sát hay không thôi”.
Trong khi đó, so sánh với quốc gia khác, tài khoản Quân Trần viết: “Mình ở Úc thấy đường như vậy là quá đẹp rồi. Đường ở Úc cũng làm như vậy nhưng tốc độ 110km/h, cá biệt một số nơi lên tới 130km/h. Đoạn đường 1 làn điều kiện tốt vẫn làm vạch đứt cho phép vượt, nhưng cái hay là tài xế luôn ý thức, luôn để ý xe đằng sau nên khi đi vào đoạn đường 2 làn thì họ tự nép vào để nhường cho vượt”.
Nhiều cao tốc chỉ có hai làn xe. (Ảnh minh họa: VnExpress)
Phân tích với VTC News về những yếu tố an toàn của loại hình cao tốc 2 làn, một kỹ sư cầu đường cho biết, việc đường cao tốc chỉ xây 2 làn, không có dải phân cách cứng như cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ buộc giới hạn tốc độ, các phương tiện chỉ được chạy tối đa 80km/h. Trong khi với xe ô tô, tốc độ trung bình theo thiết kế bây giờ là 100 - 120 km/h.
Về mặt chuyên môn, nếu cao tốc mà chỉ cho chạy tốc độ tối đa 80km/h là thiếu hợp lý. Cao tốc cũng phải có dải dừng khẩn cấp để xe gặp sự cố có thể dừng đỗ không ảnh hưởng đến việc các xe khác lưu thông với tốc độ cao.
Theo vị này, khi đi trên đường cao tốc 2 làn, để đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông trên các tuyến đường này, người dân cần quan sát kỹ, tuân thủ tốc độ Bộ GTVT đã đưa ra là dưới 80km/h, lúc đó lái xe mới đủ thời gian xử lý tình huống trên đường.
“Thiết nghĩ, bên cạnh việc làm thật nhiều, thật dài, chúng ta cũng phải cố gắng xây dựng đường cao tốc đủ các tiêu chuẩn cơ bản, có làn dừng khẩn cấp, chạy đúng tốc độ cao, làm đến đâu đạt chuẩn đến đó thì sẽ mang tính lâu dài và ổn định hơn”, kỹ sư đề xuất.
Trong khi đó, theo nhận định của một chuyên gia giao thông khác, mọi cao tốc khi đã được xây dựng và đưa vào sử dụng đều đã trải qua các khâu kiểm định, kiểm soát rất gắt gao và đúng pháp luật. "Mọi tiêu chí, thông số đều được các chuyên gia đánh giá kỹ lưỡng, được phép mới đi vào triển khai. Do vậy, không thể nói cao tốc Cam Lộ - La Sơn thiếu an toàn", chuyên gia khẳng định.
Trước đó, trả lời VTC News về vấn đề này, ông Uông Việt Dũng, người phát ngôn Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu các điểm đường có thiết kế như đoạn đường mới xảy ra vụ tai nạn kể trên để nghiên cứu phương án tổ chức, hạ tầng giao thông xem có vấn đề gì không. Nếu có sẽ tiến hành khắc phục.
"Liên quan đến vụ tai nạn, hiện nay dư luận trên các mạng xã hội cũng phân tích và đánh giá nhiều, thế nhưng để kết luận rõ ràng thì cần phải chờ kết luận từ cơ quan cảnh sát điều tra xem nguyên nhân cụ thể là gì. Còn tất cả thông tin trong tổ chức giao thông trên tuyến đường này đã được công bố, khuyến cáo rất rõ ràng từ trước rồì", ông Dũng nói.
Người phát ngôn Bộ GTVT nhấn mạnh, khi đầu tư xây dựng đường cao tốc, tất cả các phương án tổ chức giao thông đều được áp dụng, thực hiện theo quy định. Không chỉ mới đây mà việc rà soát, nghiên cứu nâng cấp các tuyến đường cao tốc 2 làn xe đã được Thủ tướng chỉ đạo từ thời điểm năm ngoái (2023). Bộ GTVT cũng đã rà soát và lên kế hoạch để đầu tư hoàn thiện các tuyến cao tốc đó. Tuy nhiên, việc này vẫn phải phụ thuộc vào khả năng cân đối nguồn vốn.