Cuộc tranh luận Phó Tổng thống ngày 7/10 (giờ địa phương) giữa hai ứng viên đảng Cộng hòa Mike Pence và đảng Dân chủ Kamala Harris là sự kiện thứ hai trong chuỗi tranh luận, sau cuộc đối đầu giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden. Khác với tranh luận Tổng thống, trong cuộc tranh luận Phó Tổng thống, các ứng viên không được biết trước câu hỏi hay chủ đề.
Dù vậy, màn tranh luận được đánh giá là có sức nóng và dày đặc các vấn đề chính sách, trong đó có chính sách đối ngoại.
Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng Nghị sĩ Kamala Harris.
Trung Quốc
Đã được dự đoán sẽ là một trong những vấn đề “đinh” của cuộc tranh luận, Trung Quốc đã được các ứng viên nhắc đến cả khi trả lời câu hỏi về COVID-19 lẫn về kinh tế và đối ngoại. Một trong những câu hỏi được đặt ra cho họ là: “Trung Quốc là nước cạnh tranh, đối thủ, hay kẻ thù?”
Nói về mối quan hệ với Trung Quốc, bà Kamala Harris chỉ trích cách chính quyền Tổng thống Trump tiếp cận với Trung Quốc, khiến người Mỹ thiệt hại về việc làm, cuộc sống (do đại dịch COVID-19), nước Mỹ giảm vị thế.
Bà nói về cách Mỹ ứng phó với cuộc chiến thương mại. “Các ông đã thua cuộc chiến đó. Và bởi vì thứ gọi là chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nước Mỹ đã mất 300.000 việc làm trong các ngành sản xuất. Những người nông dân phá sản vì nó. Chúng ta rơi vào thời kỳ suy thoái sản xuất vì nó”. Bà cho rằng chính quyền Trump-Pence “ám ảnh” với việc phải loại bỏ mọi thành tựu của chính quyền Obama-Biden.
Tuy nhiên, theo Pence, ứng viên Dân chủ Joe Biden thậm chí còn “không dám chiến đấu cuộc chiến này” vì là “cổ động viên” cho Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ. Ông tiếp tục cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho đại dịch COVID-19 và “chúng ta muốn tăng cường mối quan hệ nhưng cần có một sân chơi bình đẳng” với Trung Quốc.
Chủ trương cứng rắn với Trung Quốc được cho là nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng trong chính trường Mỹ. Càng gần đến ngày bầu cử, cả hai chiến dịch đều cố gắng thể hiện chủ trương này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: East Asia Forum)
Vị thế của Mỹ
Dẫn chứng cho việc vị thế của Mỹ bị giảm do chính quyền ông Trump, Thượng nghị sĩ Harris lấy một khảo sát của Pew cho rằng các lãnh đạo các nước từng là đồng minh của Mỹ trước đây giờ đều đã quyết định rằng họ coi trọng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hơn Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Về chính sách đối ngoại, bà Harris nói: "Bạn phải giữ lời với bạn bè của mình. Bạn phải trung thành với bạn bè của mình. Những người đã sát cánh cùng bạn, bạn phải sát cánh với họ. Bạn phải biết ai là kẻ thù của bạn và kiểm soát họ. Nhưng những gì chúng tôi thấy với Donald Trump là ông ấy đã phản bội bạn bè của chúng ta và chấp nhận các nhà độc tài trên khắp thế giới".
Harris, một thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói rằng cách tiếp cận đơn phương của chính quyền đối với chính sách đối ngoại, cùng với chủ nghĩa biệt lập "đã khiến nước Mỹ kém an toàn hơn." Tổng thống Trump với phương châm "nước Mỹ trên hết" (American First) đã rút ra khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế.
"Điều luôn luôn là một phần sức mạnh của quốc gia chúng ta, ngoài quân đội tuyệt vời của chúng ta, là chúng ta giữ lời. Donald Trump không hiểu điều đó bởi vì ông ấy không hiểu trung thực nghĩa là gì".
Tuy nhiên, theo ông Pence, với chính quyền Tổng thống Trump, nước Mỹ đã thực hiện được những lời hứa với đồng minh mà chính quyền trước không làm, sẵn sàng đối đầu với khủng bố, củng cố các liên minh ở châu Á - Thái Bình Dương, đòi hỏi được nhiều hơn cho chính nước Mỹ và chống lại những gì hại đến lợi ích của nước Mỹ.
"Vâng, Tổng thống Trump đã giữ lời khi chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, thủ đô của nhà nước Israel. Khi Joe Biden làm Phó Tổng thống, họ đã hứa sẽ làm điều đó nhưng họ không bao giờ làm.
Chúng ta đứng vững với các đồng minh của mình. Nhưng họ luôn đòi hỏi. NATO đã và đang đóng góp nhiều hơn cho nền quốc phòng chung của chúng ta, nhờ sự lãnh đạo của Tổng thống Trump.
Chúng ta đã củng cố các liên minh trên khắp Châu Á Thái Bình Dương. Và chúng ta đã mạnh mẽ chống lại những kẻ sẽ làm tổn hại chúng ta".