SCMP dẫn nguồn quan chức Ấn Độ cho biết, các cuộc giao tranh giữa quân đội Ấn Độ với Trung Quốc thời gian qua đã khiến New Delhi mất quyền kiểm soát đối với khoảng 300 km2 đất. Binh lính Trung Quốc hiện ngăn cản các cuộc tuần tra của Ấn Độ trong khu vực này.
Vào thời điểm mùa đông khắc nghiệt đến gần trên dãy Himalaya, Ấn Độ đã rất ngạc nhiên khi thấy quân đội Trung Quốc xây dựng các tiền đồn quân sự, chiếm giữ các đỉnh núi và điều hàng nghìn binh sĩ để ngăn cản các cuộc tuần tra của Ấn Độ.
Theo các quan chức Ấn Độ, New Delhi nhận ra họ đã mất quyền kiểm soát khoảng 250 km2 đất ở vùng đồng bằng Depsang, phía Bắc Ladakh - nơi có những con đường quan trọng dẫn đến đèo Karakoram, cũng như 50 km2 đất ở Pangong Tso.
Căng thẳng giữa biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc leo thang từ giữa tháng 5. (Ảnh: Bloomberg)
Văn phòng Thủ tướng Modi, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không thể bình luận về thông tin "không có nguồn rõ ràng và không thể kiểm chứng".
Mới đây, đề cập đến tình hình căng thẳng Trung - Ấn, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ - Bloomberg 2020, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar mô tả tình trạng bất ổn ở biên giới hiện nay là nghiêm trọng, cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành. “Nếu nền tảng của mối quan hệ bị xáo trộn, bạn không thể không lường trước hậu quả”, Ngoại trưởng S. Jaishankar cho hay.
Thông tin về việc Ấn Độ mất 300 km2 đất vào tay Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh quân đội hai nước dường như đang chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt ở vùng sa mạc lạnh giá, nơi nhiệt độ có thể xuống tới âm 50 độ C. Hai nước đang tăng cường tiếp viện cho hàng nghìn binh lính đang đóng quân ở khu vực tranh chấp.
Theo các thông tin, hàng chục nghìn quân của Ấn Độ và Trung Quốc, được hỗ trợ bởi pháo binh, xe tăng và máy bay chiến đấu vẫn ở hai bên biên giới.
Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức một số vòng đàm phán cấp quan chức quân sự, ngoại giao và chính trị, trong đó có các cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng ở Matxcơva (Nga) vào tháng trước. Tại cuộc gặp này, Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý ngừng đưa thêm binh sĩ tới điểm nóng tranh chấp giữa hai nước.
Mặc dù các cuộc đàm phán chưa đem lại những tiến triển rõ nét, song phần nào đã xoa dịu tình hình căng thẳng dọc biên giới Trung - Ấn. Trong khoảng một tháng nay, không ghi nhận thêm hành động leo thang quân sự mới giữa hai bên.
Hồi tháng 6, sau nhiều tuần căng thẳng, một cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ hai nước xảy ra khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc không công bố con số thương vong.
Trung Quốc và Ấn Độ hôm 22/9 đã đồng ý ngừng gửi thêm binh sĩ tới điểm nóng trên dãy Himalaya dọc theo biên giới đang tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn ở mức cao, tại nhiều điểm, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc chỉ cách nhau vài trăm mét. Cả hai bên liên tục tăng cường quân tiếp viện và tiếp tế đến khu vực tranh chấp.
Ấn Độ và Trung Quốc không thể thống nhất về đường biên giới dài 3.488 km giữa hai nước, mặc dù đã có nhiều vòng đàm phán trong nhiều năm qua. Đã từng xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1962.
Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?