Vừa trở về từ buổi họp phụ huynh của con trai học lớp 2, chị Nguyễn Khánh Huyền (38 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) ngỡ ngàng khi bị thêm vào 4 nhóm chat phụ huynh.
"Tôi cứ nghĩ 1 nhóm của tất cả phụ huynh trong lớp là đủ, không hiểu phải lập tới 3-4 nhóm làm gì", chị Huyền cho hay, ngoài nhóm chung của 35 phụ huynh, 3 nhóm còn lại chỉ có từ 10-15 người, cùng nói "câu chuyện" đóng góp ủng hộ đầu năm học nhưng mỗi nhóm một quan điểm khác nhau.
Chị Huyền kể, trong buổi họp, Đại diện hội cha mẹ học sinh đứng lên kêu gọi đóng góp thêm 1,5 triệu đồng vào quỹ. Khi được hỏi 1,5 triệu đồng dùng vào mục đích gì, Trưởng hội chỉ nêu chung chung đó là khoản dự trù phòng khi lớp có giáo viên, học sinh ốm đau, tin vui.... cho các chi phí phát sinh còn cụ thể phát sinh như thế nào phải tuỳ vào từng trường hợp.
Nhiều phụ huynh ví buổi họp phụ huynh đầu năm như buổi "kêu gọi" ủng hộ. (Ảnh minh hoạ)
Ý kiến này được khoảng 1/3 phụ huynh trong lớp tán thành, những người còn lại phản đối kịch liệt, hoặc giữ thái độ trung lập chọn theo số đông. Do chưa thống nhất được quan điểm nên giáo viên chủ nhiệm đề xuất để các phụ huynh suy nghĩ và thống nhất lại sau 1 tuần.
Bởi vậy, 3-4 nhóm chat được lập ra để phụ huynh kêu gọi nhau về cùng một "phe".
"Nói ra thì hơi nặng lời nhưng tôi cảm giác hội phụ huynh như đám trẻ, chia bè kết phái, lôi kéo nhau, nhóm này nói xấu nhóm kia. Vì giữ thái độ trung lập nên tôi được thêm vào hầu hết các nhóm, ai cũng muốn thuyết phục", chị Huyền không nghĩ quyết định của bản thân lại có thể ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của ban phụ huynh.
Bản thân chị giữ thái độ trung lập bởi hiểu rằng, trong một năm học, có những khoản nên chi mà khó có thể gọi tên ra trước lớp như quà cáp cho thầy cô ngày 20/10, 20/11, Tết, trung thu,... gọi là "phát sinh" nhưng thực chất 1 triệu kia là khoản đã được lên kế hoạch kĩ lưỡng sẽ dùng vào việc gì.
Dù hiểu nhưng chị Huyền vẫn lưỡng lự vì 1,5 triệu không phải khoản tiền nhỏ. Đầu năm học mới nào là tiền sách vở, đồng phục, học chính, học thêm đã khiến các gia đình tiêu sạch cả tháng lương nên thêm 1,5 triệu cũng là vấn đề đáng lăn tăn.
"Tôi tự hỏi, với một học sinh lớp 2 chỉ cần ngoan, tiếp thu được kiến thức cơ bản chưa cần ganh đua thành tích thì có cần thiết đóng góp tiền "phát sinh" nhiều đến vậy. Dẫu biết đó là tình cảm phụ huynh muốn gửi tới thầy cô nhưng lớp 35 học sinh tương đương 52,5 triệu đồng, liệu lời tri ân này có quá lớn?", chị Huyền trăn trở.
Phụ huynh cãi tay đôi trước lớp
Chị Đinh Thu Trang (42 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) lại chỉ ước được như chị Huyền bởi theo chị, lập nhóm chat để trao đổi bàn bạc còn là hành động tế nhị và kín đáo, không như lớp con chị, phụ huynh đứng dậy cãi nhau tay đôi ngay trong buổi họp đầu năm.
Chị Trang cho hay, một số phụ huynh đề xuất đóng tiền để lắp mới điều hoà vì lý do điều hoà lớp trước tặng lại đã cũ, không được lạnh sâu nên con họ không được mát.
Phụ huynh nảy sinh mâu thuẫn vì chuyện đóng góp đầu năm. (Ảnh minh hoạ)
"Theo tôi tìm hiểu, điều hoà lớp con tôi đang dùng không phải quá cũ, được lớp trước mua từ 4 năm trước, năm nay các cháu chuyển cấp nên tặng lại cho lớp con tôi. Từ lớp 1 đến lớp 5, lớp con tôi đều được xếp vào các lớp có sẵn điều hoà, chưa năm nào phụ huynh đề xuất mua mới như năm nay", chị Trang nói.
Phản đối ý kiến trên, có phụ huynh nêu: "Mua mới điều hoà là lãng phí vì sang năm các con lên cấp 2 không thể sử dụng tiếp". Phụ huynh khác ý kiến: "Điều hoà không mát có thể do hết gas, chỉ cần thuê thợ đến làm sạch sẽ mát hơn".
Chỉ vì quyết định mua hay không mua mà các phụ huynh tranh cãi nảy lửa. Thậm chí có vài người còn đứng dậy cãi nhau nặng lời trước mặt cô giáo khiến không khí buổi họp vô căng thẳng.
Để tránh lạm thu đầu năm học, Bộ GD&ĐT quy định “ban đại diện cha mẹ học sinh” quyên góp của người học các khoản gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình của nhà trường.