Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tranh cãi clip cho trẻ ăn thằn lằn chữa hen trên TikTok, chuyên gia nói gì?

(VTC News) -

Đoạn clip hướng dẫn chiên thằn lằn cùng lời khuyên "cho trẻ ăn để chữa hen suyễn" đạt tới 5 triệu lượt xem nhưng cũng khiến cộng đồng TiKTok tranh cãi gay gắt.

Clip: Chiên thằn lằn con ăn để chữa bệnh hen suyễn gây tranh cãi trên Tiktok.

Trong clip làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội Tiktok, chủ tài khoản vừa hướng dẫn cách để clip "lên xu hướng" vừa gắp những con thằn lằn (thạch sùng) đã được tẩm ướp gia vị cho vào chảo chiên. Ở phần bình luận phía dưới, người này liên tục nhắc đến chuyện cho trẻ ăn thằn lằn để chữa bệnh hen suyễn.

Ngoài ra, kênh Tiktok của người này còn đăng tải nhiều video về chế biến thằn lằn, thậm chí quay cảnh cho con ăn thằn lằn để chữa bệnh hen suyễn, với dòng trạng thái: "Cho bé ăn trị bệnh hen suyễn nha mọi người". 

Clip chiên thằn lằn kể trên dù chỉ mới đăng tải một thời gian ngắn nhưng đã có gần 5 triệu lượt xem, hơn 100 nghìn lượt thích và 17 nghìn bình luận. Rất nhiều người tỏ ra kinh hãi trước việc chủ tài khoản tuyên truyền cách chữa hen suyễn cho trẻ bằng món thằn lằn chiên và lo ngại trước thực tế nhiều khán giả tin theo, có ý định chữa bệnh cho trẻ theo cách này.

Cư dân mạng bình luận: "Thật kinh hãi, mới nhìn thấy đã nổi hết da gà rồi, huống chi bắt trẻ con ăn"; "Làm gì có chuyện ăn thằn lằn có thể chữa được hen, cần phải tẩy chay những clip tuyên truyền sai sự thật này"; "Mình nghĩ đây là chiêu trò câu view, còn dạy cả mọi người cách lên xu hướng kìa, để những clip này nổi lên trên cộng đồng mạng thật nguy hiểm; những người thiếu hiểu biết sẽ làm theo"...

Clip chiên thằn lằn khiến nhiều người kinh hãi. (Ảnh chụp màn hình)

Chủ tài khoản cho con ăn thằn lằn để trị hen suyễn. (Ảnh chụp màn hình)

Về tác dụng chữa bệnh của thằn lằn đối với trẻ em, trả lời VTC News, bác sỹ Nguyễn Trọng Dũng, Bệnh viện Nhi Trung ương, khẳng định: "Chưa có chứng khoa học nào về việc cho trẻ ăn thằn lằn có thể chữa hen suyễn. Ngay cả hiệu quả thật sự của các bài thuốc nói trên, đa phần cũng chỉ là nghe qua lời kể của người bệnh, chưa có nghiên cứu xác nhận".

Bác sỹ Dũng cũng cho biết, việc sử dụng thằn lằn chữa bệnh trong dân gian cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức độ kinh nghiệm rời rạc và thiếu tính thuyết phục, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc do không được tư vấn đầy đủ. Do đó, ông khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thằn lằn làm thuốc theo các kinh nghiệm truyền miệng.

Hen là một bệnh hô hấp mạn tính rất thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích (như phấn hoa, lông thú, khói thuốc lá...), phế quản người bệnh sẽ bị co thắt, phù nề, chứa đầy chất nhầy gây tắc nghẽn, làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở. 

Dù không chữa khỏi hoàn toàn, việc tuân thủ đúng y lệnh của bác sỹ sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh, bảo đảm cuộc sống bình thường cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thường bao gồm nhận biết các nguyên nhân khởi phát bệnh, áp dụng các bước phòng tránh và theo dõi hơi thở để đảm bảo thuốc mà người bệnh dùng hàng ngày đang kiểm soát được các triệu chứng. Trong trường hợp cơn hen bùng phát, người bệnh có thể cần sử dụng thuốc hít tác dụng nhanh.

Ngoài việc dùng thuốc, người bị hen cần thay đổi lối sống và thậm chí cả nghề nghiệp, chỗ ở để tránh các dị nguyên gây bệnh. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc hay sử dụng những cách chữa trị không được kiểm chứng như các clip ăn thằn lằn chiên kể trên.

Dù giới chuyên môn nhiều lần khuyến cáo không áp dụng cách chữa bệnh vô căn cứ, lâu nay trên mạng xã hội, nhiều người với mục đích câu view đã đăng những clip tuyên truyền các "bài thuốc" quái dị, không hề có cơ sở khoa học như há miệng rồi bấm đuôi thằn lằn cho chui vào miệng, ăn tắc kè bay, ăn giun đất... Họ thậm chí còn khẳng định như đinh đóng cột rằng đây là cách chữa nhiều bệnh nan y. Điều đáng sợ là nhiều khán giả thiếu hiểu biết tỏ ra tin tưởng những nội dung độc hại này.

Nhật Thùy

Tin mới