Đến sân cầu lông huy động tiết kiệm
Liên quan quá trình kêu gọi người dân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Công ty CP tài chính VietNam Capital (phòng giao dịch 155 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, do ông Lê Quốc Thái làm giám đốc), bà Ngô Thị H., (trú Thanh Khê) cho biết, sở dĩ bà tin tưởng gửi 200 triệu đồng là vì công ty quá “nhiệt tình”.
Bà H. kể lại: "Tôi và vài người bạn thường chơi cầu lông tại một câu lạc bộ trên địa bàn quận Thanh Khê. Hôm đó, khi tôi và bạn đang chơi thì có thanh niên tìm đến trò chuyện. Lúc ấy tôi mới biết thanh niên này quen bạn tôi vì chính bạn đã gửi tiền tiết kiệm vào Công ty CP tài chính VietNam Capital (phòng giao dịch 155 Điện Biên Phủ).
Qua trò chuyện, thanh niên này giới thiệu là Lê Trọng Linh, quản lý công ty và mời tôi tham gia gửi tiền tiết kiệm để được hưởng lãi suất cao.
Bạn tôi đã gửi và nhận được tiền lãi, tôi có 200 triệu đồng cũng vừa đáo hạn tại chi nhánh ngân hàng nên rất tin tưởng, rút hết đưa đến công ty của Linh để gửi. Cũng như mọi người, sau khi gửi, tôi nhận được giấy chứng nhận tiết kiệm. Không ngờ bây giờ đối diện nguy cơ mất trắng vì đã đến hạn rút cả gốc và lãi nhưng rút không được”, bà H. kể.
Cũng theo bà H., vì cứ nghĩ công ty này có chức năng huy động tiết kiệm như ngân hàng, lãi suất lại cao hơn đến 3% nên mới gửi vào mong có thêm chút đỉnh lo cho tuổi già. Không những vậy, sau 2 lần nhận được lãi suất, bà cũng bàn với chồng gửi thêm 200 triệu đồng nữa, là số lương hưu chồng bà dành dụm được.
“Tôi còn 2 lần nhận lãi suất chứ chồng tôi thì chưa lần nào cả. Bây giờ vợ chồng tôi đòi lại tiền nhưng không được, công ty cứ hứa hẹn, khất lần khất lữa mãi nên chúng tôi buộc phải làm đơn tố cáo”, bà H. cho biết.
Trụ sở chi nhánh Công ty CP tài chính VietNam Capital tại 155 Điện Biên Phủ đóng cửa.
Mua lẩu đến nhà khách nhậu để huy động vốn
Trong số những người là khách hàng của Công ty CP tài chính VietNam Capital (phòng giao dịch 155 Điện Biên Phủ) có anh Lê Thế C. (hàng xóm của bà H.), người gửi tổng cộng 255 triệu đồng.
Bà H. kể lại, sau khi bà và chồng gửi tiết kiệm thì Lê Trọng Linh tìm đến nhà chơi. “Thật bất ngờ, hôm đó Linh đến nhà tôi và mang theo một nồi lẩu. Linh bảo đến nhà cô chú chơi, nhậu cho vui nên tôi không thể từ chối. Vì anh C. là hàng xóm của tôi nên được Linh mời sang nhậu cùng”, bà H. cho biết.
Trong cuộc nhậu, Linh giới thiệu với anh C. về công ty và cho biết huy động gửi tiết kiệm trả lãi suất cao. Vợ chồng anh C. là công nhân, tích góp mãi mới được 200 triệu đồng để phòng khi hữu sự nhưng sau khi nghe Linh giới thiệu thì tin tưởng, gửi tiết kiệm.
Theo anh Lê Thế C., vì muốn có thêm chút tiền lãi để thêm đồng mua sữa cho con nên vợ chồng anh bàn bạc, đem số tiền tích góp được đưa đi gửi.
“Lãi suất cao hơn ngân hàng 3%, lại thấy nhiều người gửi nên vợ chồng tôi tin tưởng. Thêm nữa, trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ công ty này cũng là ngân hàng chứ ai ngờ. Những ngày qua tôi liên tục tìm đến trụ sở chi nhánh đòi lại tiền nhưng đóng cửa, liên lạc với ông Lê Trọng Linh qua điện thoại thì không được”, anh C. lo lắng.
Người quản lý của Công ty CP tài chính VietNam Capital tại 155 Điện Biên Phủ đến nhà khách nhậu để huy động vốn. (Ảnh: Người dân cung cấp)
Công ty tài chính không được nhận tiền gửi cá nhân
Trả lời VTC News liên quan hoạt động huy động tiền gửi của cá nhân mà Công ty CP tài chính VietNam Capital (chi nhánh 155 Điện Biên Phủ) thực hiện, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết đây là hoạt động trái quy định pháp luật.
Theo ông Lê Cao, theo Luật Tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân là hoạt động ngân hàng, được quản lý nghiêm ngặt và cấp phép cẩn trọng với các điều kiện khắt khe.
“Theo các quy định này, công ty tài chính không được phép thực hiện hoạt động nhận tiền gửi của các cá nhân”, luật sư Lê Cao cho biết.
Cũng theo luật sư, dù biết không được phép nhận tiền gửi nhưng lại công khai, cố tình thực hiện hành vi nhận tiền gửi, sau đó làm thiệt hại cho người khác thì có dấu hiệu rõ ràng về “Hoạt động nhận tiền gửi của các cá nhân khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép” (theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng).
“Hành vi đó mà gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong trường hợp khác, nếu có thủ đoạn gian dối, mục đích từ trước là lập công ty tài chính để đưa ra các thông tin gian dối, cố tình lừa dối khách hàng để đạt được mục đích gửi tiền nhằm chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự”, luật sư Lê Cao nêu căn cứ.
Với người gửi tiết kiệm, luật sư Lê Cao cho rằng hầu hết khi giao dịch đều không rành về pháp lý, không hiểu rõ các hoạt động đó có thực hay không, các hoạt động đó được phép hay không.
Luật sư Lê Cao.
“Nếu như gửi tiền gửi vào ngân hàng được phép hoạt động sẽ có các cơ chế như bảo hiểm ngân hàng, cơ chế bảo đảm của ngân hàng Nhà nước thì khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, gửi tiền vào các công ty không rõ ràng, không được phép nhận tiền gửi, người dân sẽ phải đối diện với rủi ro lớn”, luật sư Lê Cao cho biết.
Về khả năng thu hồi tiền, luật sư nhìn nhận: Nếu các doanh nghiệp này vỡ nợ, giải thể, phá sản thì người gửi có thể mất trắng tiền, không đòi lại được. Cũng nhiều trường hợp khi các hành vi này bị tố giác, cơ quan điều tra xử lý trách nhiệm hình sự với các cá nhân liên quan nhưng về tài sản không chắc chắn được thu hồi đầy đủ cho bị hại vì điều kiện thi hành án không còn, tài sản bị tẩu tán hết.
“Do đó, tôi cho rằng với tất cả các giao dịch về tài chính, huy động vốn đầu tư, khi thực hiện giao dịch cần cẩn trọng, tham khảo các ý kiến tư vấn về tài chính, pháp lý”, luật sư Lê Cao khuyến cáo.
Như VTC News đưa tin, khoảng 40 người ở Đà Nẵng gửi hơn 13 tỷ đồng tiết kiệm vào Công ty CP tài chính VietNam Capital nhưng đến kỳ rút gốc, lãi thì không được thanh toán.
Hầu hết những người gửi tiết kiệm tại đây đều được công ty viết phiếu thu, cấp sổ ghi “Giấy chứng nhận tiết kiệm” và mức lãi suất tùy theo số tiền gửi, từ 9,5% đến 12,5%/năm. Các sổ này đều do ông Trương Quốc Thái, Giám đốc công ty ký tên, đóng dấu.