Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trắng đêm 'bắt' lũ

(VTC News) -

Những ngày này, khi mực nước các con sông thuộc địa phận Hà Nội trên mức báo động 2, quan trắc viên cứ 1 tiếng/lần lại chuẩn bị dụng cụ cần thiết cho "ốp" quan trắc.

Video: Phóng viên Báo điện tử VTC News theo chân Hiếu đi "bắt lũ"

2h ngày 12/9, khi mực nước các con sông thuộc địa phận Hà Nội đều trên mức báo động 2, Trạm thuỷ văn Thượng Cát (số 2 đường Nam Đuống, phường Thượng Thanh, quận Long Biên) tất bật hơn bao giờ hết.

Trạm thủy văn Thượng Cát nằm trong mạng lưới trạm Tổng Cục khí tượng thủy văn, có nhiệm vụ quan trắc, đo đạc yếu tố mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa và quan trắc môi trường nước sông Đuống.

 

 

Khi PV Báo điện tử VTC News vừa đến cổng trạm cũng là lúc anh Hoàng Hiếu (SN 1976, nhân viên Trạm thuỷ văn Thượng Cát) phải đi "ốp" (thuật ngữ trong ngành Khí tượng thủy văn nói về các ca trực). 

Băng qua 2 làn đường Nam Đuống, đi xuyên con ngõ nhỏ nằm lọt thỏm giữa 2 căn nhà cao tầng, chúng tôi có mặt ở dòng sông Đuống, cách chân cầu Đông Trù khoảng 300 m.

Dòng sông Đuống rộng mênh mông, phù sa cuồn cuộn chảy xiết. Những ngày mưa bão vừa qua, nơi này chẳng khác gì con thuồng luồng khổng lồ, ai cũng khiếp.

"Đi ốp buổi đêm thường chỉ có một cán bộ, vừa đọc vừa ghi chép, sau đó di chuyển nhanh về trạm để chuyển số liệu về trung tâm. Nay có chú đến đây thì chú cầm đèn soi giúp anh", dứt lời, anh Hiếu đưa PV chiếc đèn pin, đánh ánh mắt để tôi chỉ đèn vào thước thủy chí đang cắm sâu dưới lòng sông.

Sau khi nhìn trị số trên thước thủy chí, để số liệu được chính xác, anh Hiếu sử dụng thêm một chiếc thước chuyên dụng đo thêm lần nữa.

"Cọc C3 - 10 cm, 10,60 m vẫn đang báo động 2, cách báo động 3 là 40 cm, mực nước tăng 2 cm so với ốp lúc 1h", anh Hiếu đọc to, rõ ràng, đồng thời ghi những trị số này vào "Sổ quan trắc mực nước".

 

Quan trắc viên tâm sự, đây là mực nước lũ cao nhất trong khoảng vài chục năm qua ở sông Đuống, lần cuối cùng báo động 1 là năm 2008.

"Mực nước này không là gì so với những đợt lũ tại các tỉnh miền Trung, song đối với Hà Nội là vấn đề đáng lo ngại. Vậy nên những ngày qua Trạm thủy văn Thượng Cát và nhiều trạm thủy văn khác trên địa bàn các tỉnh miền Bắc, cán bộ, nhân viên đều túc trực 100%. Có ngày mỗi giờ nước lên 10 cm, 10 tiếng là cao thêm 1 m", anh Hiếu nói, vội thu dọn đồ đạc và đi về hướng trạm để đẩy số liệu quan trắc lên hệ thống.

2h10, mọi công việc trong "ốp" kết thúc.

Nhấp chén trà trên bàn đã nguội lạnh, anh Hiếu cho hay, sẽ không cố định một ngày gồm bao nhiêu "ốp", có thể 4, 8, 12, 24 hoặc có thể nhiều hơn theo yêu cầu của cơ quan cấp trên - Tổng Cục khí tượng thủy văn.

"Số lần ra sông đo mực nước sẽ phụ thuộc vào mực nước, biên độ biến đổi của mực nước. Nếu nước cạn thì ngày chỉ cần 4 lần với các khung giờ 1h, 7h, 13h và 1h, nghĩa là 6 tiếng/1 ốp. Nhưng khi nước lên thêm, mức độ nguy hiểm nó sẽ cao hơn, mình cần số lần quan trắc dày hơn. Như những ngày lũ về này, mỗi tiếng chúng tôi sẽ thực hiện 1 ốp", anh Hiếu bộc bạch.

Trước giờ vào ca 15 phút, quan trắc viên chuẩn bị thiết bị đo đạc, sổ ghi chép, kém 2 phút bắt đầu ra hệ thống công trình quan trắc. Ví như mực nước thì quan trắc ở thủy chí, nhiệt độ nước thì đo bằng nhiệt kế cầm tay…

 

Anh Hiếu sinh ra và lớn lên tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh chọn học tại Trường đào tạo cán bộ khí tượng (nay là Đại học Tài nguyên và Môi trường).

"Ra trường, tôi làm việc tại Liên đoàn Khảo sát khí tượng thuỷ văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này làm tất cả các lĩnh vực, từ thủy văn, khí tượng, địa hình cho đến môi trường. Thời điểm đó, cũng chỉ làm hợp đồng, làm ngày nào được trả lương ngày đấy, lương 3 cọc 3 đồng. Thấy cũng không ổn. Lúc ấy có đợt thi biên chế tuyển cán bộ khí tượng ở miền Trung, tôi thi và đỗ", quan trắc viên kể.

Theo anh Hiếu, 5 năm (2006-2011) công tác miền Trung tại các huyện miền núi của Quảng Nam, Đà Nẵng… là quãng thời gian "nhớ đời".

"Như tôi đã nói, báo động 3 ở Hà Nội là lớn nhưng không xá gì so với những đợt lũ miền Trung với độ dốc cao, địa hình hẹp, nước chảy xiết. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trắc có khi người cán bộ phải đánh đổi cả mạng sống", anh Hiếu nói.

Quan trắc viên Hoàng Hiếu cho biết, những ngày lũ tại dải đất miền Trung là những ngày vất vả nhất, ngoài việc trực ca thường xuyên, liên tục thì quan trắc thủy văn cũng gặp vô vàn khó khăn trên thực địa. Muốn đo được mực nước thì bắt buộc các cán bộ phải giữ thuyền vào dây cáp rồi kéo ra giữa sông.

"Có những hôm bão to, thuyền bị mắc gỗ chìm phải chặt dây cáp hoặc chặt "cá sắt" (dụng cụ thả ngầm để đo mực nước) rồi đo lại từ đầu. Dù có sự cố thì cũng phải đảm bảo một giờ truyền tin một lần", anh Hiếu kể.

 

Anh Hiếu bộc bạch, có lẽ vì cái nghề vất vả, quanh năm suốt tháng bám với sông nước nên anh lập gia đình khá muộn so với bạn bè đồng trang lứa. Năm 2008, khi 32 tuổi, trong một lần nghỉ phép về thăm nhà, được gia đình động viên, anh kết duyên cùng "cô hàng xóm" cách nhà chừng 800 m.

"Năm 2009, tôi có cháu đầu tiên, thời điểm ấy vẫn bôn ba ở miền Trung. Đến năm 2011, tôi mới chuyển công tác ra Hà Nội", anh Hiếu tâm sự.

Khi ra Hà Nội, do đặc thù công việc nên anh cũng chẳng mấy khi có mặt ở nhà, đặc biệt là mùa mưa lũ, hay ngay cả lễ tết.

Trước câu hỏi liệu có bao giờ nhận được lời khuyên của gia đình, vợ con tìm kiếm một công việc khác, anh Hiếu bật cười: "Vợ con cũng phải yêu nghề của chúng tôi. Yêu ở đây là sự thông cảm, thấu hiểu, tôi và nhiều quan trắc viên khác đều cần điều đó. Giống như gia đình đồng chí trạm trưởng, dịp này, vợ làm nhân viên y tế được điều động lên hỗ trợ miền núi phía Bắc, chồng thì túc trực ở đây, ở nhà chỉ có mấy đứa nhỏ. Nếu không có sự thông cảm, thấu hiểu thì khó lắm".

Những ca trực đêm không dám chợp mắt vì sợ sai thời gian, hay lúc mưa to gió lớn vẫn lao mình ra đo đạc tại trạm không phải nỗi ám ảnh mà cái chạnh lòng nhất của người "bắt" lũ như anh Hiếu là đêm 30 Tết, lúc mọi người quây quần bên mâm cúng giao thừa đón chào năm mới thì phải một mình một trạm.

Đó cũng là câu trả lời cho mọi thắc mắc, sáng mồng 1 Tết vẫn có bản tin dự báo thời tiết mà nhà nhà luôn theo dõi để chuẩn bị cho những chuyến du xuân.

"Mỗi người một nghề, các chiến sĩ công an, bộ đội, y bác sĩ cũng phải trực Tết, chúng tôi cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ cho xã hội", quan trắc viên bày tỏ.

Câu chuyện giữa chúng tôi khoảng gần 1 tiếng đồng hồ lại dang dở khi tiếng chuông hẹn giờ vang lên. Anh Hiếu lại vội vàng chuẩn bị dụng cụ cần thiết cho "ốp" quan trắc. Sau mỗi "ốp" 3h, 4h, 5h thì mực nước có xu hướng giảm 2 - 3 cm/lần.

Lúc này, gương mặt của quan trắc viên Hoàng Hiếu mới giãn ra: "Đêm nay là đỉnh lũ và có xu hướng giảm rồi, chắc trong nay mai có thể giảm mức báo động từ cấp 2 xuống cấp 1".

Cuộc đời của những quan trắc viên là vậy, vẫn diễn ra âm thầm, lặng lẽ với niềm đam mê mãnh liệt. Chính sự cống hiến thầm lặng ít ai biết đến đó đã đóng góp to lớn vào công tác dự báo khí tượng nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Hàng triệu đồng bào miền Bắc đang phải chống chọi với mưa lụt, thiên tai khủng khiếp chưa từng có. Công cuộc cứu trợ đồng bào vùng lũ lúc này rất cần sự chung tay của người dân cả nước. Sự chia sẻ, giúp đỡ sẽ giúp vơi bớt những đau thương, mất mát, giúp đồng bào vùng lũ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả xin gửi về Báo điện tử VTC News, số tài khoản 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội. Nội dung xin ghi rõ: Ung ho 24055. Hoặc quý độc giả có thể quét mã QR code.

Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến những địa chỉ cần giúp đỡ trong thời gian sớm nhất.

Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email toasoan@vtcnews.vn hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.

Nhóm Phóng viên

Tin mới