Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trận thua suýt bỏ mạng và 8 lần làm nên lịch sử của phi công Nguyễn Hồng Nhị

(VTC News) -

Sau trận thua suýt bỏ mạng do "cố đấm ăn xôi", phi công Nguyễn Hồng Nhị tự rút ra bài học đau đớn và trở thành người anh hùng 8 lần bắn rơi bay Mỹ.

Tay lật từng trang nhật ký chiến đấu của chồng, bà Dậu không quên "thuyết trình" cặn kẽ, khiến tôi có cảm tưởng, từng câu chuyện của tướng Nhị trong cuốn nhật ký được người vợ hiền thuộc lòng từng chữ, và việc kể lại cho người đời sau là niềm hạnh phúc lớn.

Bài học từ trận thua nhớ đời

“Đây, đoạn này ông ấy viết về trận thua nhớ đời sau chiến thắng đầu tiên. Ông ấy nói trận này thua là do chủ quan và "cố đấm ăn xôi", nhưng đây cũng là trận để ông ấy rút kinh nghiệm về sau", vừa nói bà Dậu vừa đưa tay rà vào những con chữ trong nhật ký.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị đã nằm bất động trên giường bệnh 5 năm. (Ảnh: Thy Huệ).

Theo nhật ký chiến đấu mà Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị ghi lại, sau lần đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, ngày 4/3/1966, Trung đoàn quyết định đưa máy bay MiG-21 vào chiến đấu, đánh địch ở mọi độ cao.

Lực lượng phi công MiG-21 bước sang giai đoạn đụng đầu ác liệt với không quân Mỹ, những kẻ tự xem mình là đàn sói trên bầu trời, coi phi công Việt Nam như cừu non, muốn “xơi tái” lúc nào cũng được.

Lúc đó, phi công Nguyễn Hồng Nhị chỉ mới có vài chục giờ bay trên MiG- 21, trong khi địch thủ của ông có hàng nghìn giờ bay. Khi đánh phá không phận miền Bắc Việt Nam, Mỹ thường bay với đội hình 12, 24, 36 chiếc và nhiều hơn, còn đội hình ta nhiều nhất là 4 chiếc.

“Trận đánh ngày hôm ấy có mục tiêu là tiêu diệt máy bay EB-66. Hôm đó trời trong xanh, không có mây. Tiếp thu và kiểm tra máy bay xong, đứng trên sân đỗ nhìn quanh bầu trời, tôi nghĩ: 'Phải chuẩn bị đánh nhau!'. Đi vào nhà trực, tôi gọi Vũ Ngọc Đỉnh (bay số 2) ngồi vào bàn ăn sáng, vừa ăn vừa hiệp đồng biên đội với nhau khi gặp địch.

Ăn sáng xong thì sở chỉ huy gọi điện gặp tôi và giao nhiệm vụ: 'Hôm nay biên đội chuẩn bị đi đánh máy bay gây nhiễu EB-66, có máy bay F-4 bảo vệ EB!”. Tôi nói lại cho Đỉnh, quán triệt nhiệm vụ trên giao và chuẩn bị có thể phải “đối chọi” với tiêm kích địch" - ông Nhị viết trong nhật ký.

Cụ Nguyễn Thị Thanh Dậu kể chuyện đời của chồng mình cho PV VTC News. (Ảnh: Thy Huệ).

Hai anh em đang trao đổi về việc đánh máy bay EB-66 thì nhận được tín hiệu báo động: “Hai chiếc trung không cấp 1!”. Họ chạy rất nhanh leo lên máy bay.

Tôi điều khiển MiG-21 lăn ra đường băng và cất cánh bay về hướng Bắc theo số liệu của sở chỉ huy chỉ dẫn. Bay qua Tuyên Quang, đi về hướng Cao Bằng thì sở chỉ huy thông báo địch phía trước 30km, độ cao 6000 mét. Đó là độ cao EB-66 thường bay. Sở chỉ huy báo tăng cường quan sát, tôi phát hiện địch bên trái và báo cáo về sở chỉ huy: 513 phát hiện địch nhưng không phải EB", những ký ức về trận chiến nhớ đời được ông Nhị lưu lại trong nhật ký chiến đấu.

Phi công Nguyễn Hồng Nhị chưa kịp công kích theo lệnh của sở chỉ huy thì địch phát hiện có MiG và bắt đầu lượn “vòng thúng”, nối đuôi nhau để chống lại MiG. Ông Nhị rơi vào “vòng thúng” của tiêm kích địch.

Tình thế trở nên khó khăn và ác liệt. Song, cái tính cay cú khiến tôi cố đấm ăn xôi, tìm xem thằng EB ở đâu. Hồi ấy mà bắn rơi được EB thì có giá trị lớn về tinh thần cũng như về chiến thuật. Song tôi đâu có ngờ khi phát hiện có MiG đuổi đánh thì bọn tiêm kích vòng lại áp dụng chiến thuật 'vòng thúng' và 'đan chéo' để chống MiG, tạo điều kiện cho thằng EB chạy trốn.

Nhật ký chiến đấu của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị. (Ảnh: Thy Huệ).

Máy bay của tôi bị địch bắn bị thương không điều khiển được. Hệ thống dầu đỏ (dầu tạo áp lực) không còn giọt nào. Độ cao tới mặt đất chỉ độ mấy trăm mét, nhìn thấy cây và những hòn đá to, rõ lắm rồi. Không thể chần chừ được nữa, tôi quyết định nhảy dù. Ở đây là vùng đồi núi đá với cây lúp xúp, không có bãi bằng để có thể hạ cánh bụng. Vô cùng tiếc chiếc máy bay.

Ruột tôi đau như đứt từng khúc trước khi hai tay nắm vào vòng dây kéo để bắn ghế. Một tiếng nổ đẩy tôi cùng với ghế ngồi rời khỏi máy bay, đồng thời nắp buồng lái cũng chụp vào ghế che kín người để không bị dòng không khí và lửa cháy của máy bay táp vào phi công.

Tôi chạm đất, người bị ngã làm cho lưng chạm vào đá, đau ê ẩm. Khi tôi mở mắt ra thì thấy có nhiều người ngồi xung quanh, người quạt, người xoa bóp chân tay, lưng. Như vậy là bà con du kích đã biết tôi là phi công của ta. Cảm thấy lưng như hết đau, tôi xin ngồi dậy nhưng bà con không cho, bắt phải nằm”- ông Nhị kể rồi kết luận, có trận thua này là do cái tính “cố đấm ăn xôi” ông đã mắc phải từ bé, cái thuở còn đi đánh nhau với bạn bè cùng chăn bò trên cánh đồng Trang.

Đã thừa hiểu là MiG-21 không nên không chiến kiểu 'vòng thúng' với 'Phan tôm'... nhưng vẫn theo. Một lần dại đã để lại một bài học sâu sắc cho những trận không chiến sau không một lần lặp lại...”, Phi công Nguyễn Hồng Nhị viết.

Hạ 8 máy bay Mỹ

Bà Thanh Dậu cho biết, sau thời gian dưỡng thương, phi công Nguyễn Hồng Nhị trở về đơn vị đúng vào thời điểm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt. Đây cũng là thời kỳ ta áp dụng cách đánh với biên đội lớn; MiG-21 sử dụng biên đội 2 chiếc xen kẽ với biên đội 4 chiếc.

8 lần hạ máy bay Mỹ là 8 lần phi công Nguyễn Hồng Nhị được Bác Hồ trao tặng huy hiệu của Người. (Ảnh: Thy Huệ).

"Giai đoạn này nhiều con số nên tôi không thể nhớ chính xác được, tôi chỉ nhớ là ông ấy liên tục lập chiến công. Để chắc chắn thì cháu cứ chụp hình cuốn nhật ký lại rồi về đưa nguyên lời ông ấy vào bài. Như vậy vừa tôn trọng ông ấy, vừa chính xác", bà Dậu nói.

Quả vậy, những trang nhật ký giai đoạn này có nhiều con số "nhảy múa", sôi động, ác liệt như thực tế chiến đấu lúc bấy giờ.

Đầu năm 1967, sau các trận đánh nhiều tổn thất, ta quyết định đánh theo lối mới dành cho MiG-21: Đánh chặn, thọc sườn, tạo đà, đánh nhanh, rút nhanh... Nhờ vậy, từ chỗ xem thường phi công Việt Nam, không quân Mỹ phải đau đầu nghĩ cách làm sao để “xóa sổ" các máy bay của ta, nhưng đều thất bại cay đắng. Thành tích chiến đấu của phi công ta tăng dần theo những lần xuất kích.

 

 
Chớp thời cơ, tôi tăng tốc độ xông thẳng lên đội hình địch, thực hiện chiến thuật “đánh nhanh, thọc sâu”, bắn rơi tại chỗ 1 F-105. Thằng giặc lái nhảy dù, bị bắt sống, số còn lại vội vàng quăng bom ngoài mục tiêu, tháo chạy.

Trích nhật ký của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị

Một trong những trận thắng đáng nhớ diễn ra vào cuối tháng 8/1967. Hai phi công Nguyễn Hồng Nhị và Nguyễn Đăng Kính xuất kích đến vùng trời Nghĩa Lộ thì gặp máy bay trinh sát RF-4 của Mỹ trên đường quay ra.

 

Biết bị MiG-21 bám theo, chiếc tiêm kích Mỹ tìm cách lách để tẩu thoát nhưng không "cắt đuôi" nổi. Hết cách, nó quyết định cắm xuống với góc bổ nhào lớn. Đoán rằng thế nào "thằng" RF-4 này cũng phải ngóc lên chứ không thể cắm đầu cắm cổ lao xuống mãi được, phi công Nguyễn Hồng Nhị bình tĩnh chờ.

Quả vậy, RF-4 cuối cùng cũng phải ngóc đầu lên. Chỉ chờ có thế, ông Nhị đưa nó vào vòng ngắm, ấn nút phóng tên lửa và hạ máy bay địch ngay tại chỗ.

Tháng 9/1967, phi công Nguyễn Hồng Nhị bắn rơi thêm RF và F-4. Tháng 10/1967, ông tiếp tục hạ một chiếc RF. Cho đến ngày 7/11/1967, ông đã bắn rơi 7 máy bay địch.

Để thực hiện đúng lời bà Thanh Dậu, chúng tôi xin được trích nguyên văn một đoạn nhật ký chiến đấu của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị:

“Từ sân bay Gia Lâm về, trên đường đi, tổ lái máy bay trực thăng cố tình bay thật thấp, băng qua các nhà máy, xóm làng, các trận địa cao xạ, tên lửa và đến những cánh đồng lúa vừa chín tới, như cố tình trêu chọc chúng tôi: Đấy, những máy bay cường kích của Mỹ lọt vào ném bom phá và bom bi lỗ chỗ khắp nơi đấy. Các ông lái 'vỉ ruồi' đã thấy chưa?

Cái nghề lái máy bay của chúng tôi nhạy cảm với việc trêu nhau lắm! 'Yêu cầu hôm nay đánh một trận thắng tốt! Đó là yêu cầu cấp bách của đơn vị!' - đồng chí chỉ huy nói ngắn gọn như thế rồi hạ lệnh cho chúng tôi đi tiếp thu máy bay.

Trên đường đi chặn địch, lướt qua bao làng bản quê hương ruộng nương san sát, núi đồi nhấp nhô, những con sông như những sợi chỉ trắng ngoằn ngoèo trên thảm cỏ xanh. Tất cả những bức tranh tuyệt đẹp đó, tôi đã được ngắm nhiều lần, không bao giờ biết chán nó, nhưng nó cũng không thể nào làm cho tôi mất cảnh giác được.

Tiếng Trung đoàn trưởng trầm trầm cất lên trong tai nghe của tôi: 'Ruồi xanh' phía trước... Biên đội chuẩn bị chiến đấu!'. 'Rõ!' - tôi trả lời cũng dõng dạc để đáp lại tiếng nói điềm đạm của đồng chí Trung đoàn trưởng. 'Phía trước, bên trái... km có 3 tốp, 5 tốp!...' - tiếng số 2 phát hiện địch báo cáo.

Và toàn bộ bọn chúng là 6 tốp. Chúng tôi chuẩn bị vào chiến đấu, đánh phủ đầu ngay từ đầu.

Bọn chúng cũng phát hiện, tìm cách đối phó lại, nhưng muộn rồi! Chúng tôi đã bám sát đuôi chúng và bắn một quả tên lửa vào tốp tiêm kích đi hộ tống làm cho đội hình địch rối loạn, thằng nào cũng lo ngoặt gấp để tránh tên lửa.

Chớp thời cơ, tôi tăng tốc độ xông thẳng lên đội hình địch, thực hiện chiến thuật “đánh nhanh, thọc sâu”, bắn rơi tại chỗ 1 F-105. Thằng giặc lái nhảy dù, bị bắt sống, số còn lại vội vàng quăng bom ngoài mục tiêu, tháo chạy.

Tiếng Trung đoàn trưởng lại vang lên trong tai tôi: Tất cả 'Thắng lợi!”.

Bà Thanh Dậu "tiết lộ", ngoài lòng yêu nước và căm thù giặc Mỹ, còn một lý do khác để phi công Nguyễn Hồng Nhị cố gắng hạ thật nhiều máy bay Mỹ, đó là được gặp Bác Hồ.

Bởi, sau lần đầu tiên được gặp và nhận huy hiệu của Bác, cảm giác sung sướng quá đỗi đã khiến ông hạ quyết tâm tiếp tục bắn rơi thêm nhiều máy bay địch. Mỗi chiếc máy bay rơi, Bác Hồ lại gửi tặng một huy hiệu. Chiếc huy hiệu thứ 8 được trao cho ông sau trận đánh ngày 1/8/1968, khi ông bắn rơi chiếc F-8E của Hải quân Mỹ.

Thy Huệ

Tin mới