NSND Trần Hiếu cho cho biết đã có lúc ông đi lầm, yêu lầm và mất tới 8 năm để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không may mắn.
Rất lâu rồi, NSND Trần Hiếu không xuất hiện trên báo chí. Gặp ông trong buổi làm giám khảo chương trình “Gia đình tài tử” (sẽ phát sóng trên kênh HTV7 – Đài TH TP.HCM), ông tỏ ra rất hào hứng với cuộc thi. Vì ông cho rằng, đây là cuộc thi tìm kiếm sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ thông qua việc ca hát.
Có một gia đình là niềm hạnh phúc lớn, đó là điều ông luôn kiếm tìm. Nhưng đã có lúc ông đi lầm, yêu lầm và mất tới 8 năm để giải thoát cuộc hôn nhân không may mắn. Căn nhà nhỏ hiện tại của ông và người vợ mới ở gần sân bay Tân Sơn Nhất vẻ như ấm áp và đầy ắp tiếng đàn tiếng hát. Ở tuổi 75, Trần Hiếu vẫn tràn trề thanh xuân...
NSND Trần Hiếu. |
- Với 51 năm làm thầy, có rất nhiều học trò nổi tiếng và thành công, người học trò nào làm ông tự hào nhất?
- Mỗi người một chút. 51 năm đi dạy, tôi có gì? Tôi có hai học trò Thanh Hoa và Y Moan là Nghệ sỹ nhân dân. Và khoảng 14 nghệ sỹ ưu tú. Nghĩa là một ông nghệ sỹ nhân dân dạy được 2 nghệ sỹ nhân dân và hàng loạt những nghệ sỹ ưu tú nữa. Này, lẽ ra Bộ văn hóa phải cảm ơn tôi mới phải, nhỉ?
Ngoài ra, con gái, Trần Thu Hà mà mọi người biết đến chính là học trò của tôi, hay cả Thanh Thúy, Nam Khánh, Trọng Tấn, Tấn Minh. Tấn Minh cũng chuẩn bị được nghệ sỹ ưu tú rồi.
Hay Tina Tình cũng là trường hợp lạ lùng nhất trong đời làm thầy của tôi, để lại nhiều cảm xúc đặc biệt nhất. Khi nó về với tôi, mới 17 tuổi chứ mấy, rất bé, nhưng rất giỏi, đã tự sáng tác được một số bài rồi, nhưng nó hát kiểu không có nghề. Và tôi không muốn nhận. Tina cứ năn nỉ, bác thương con thì dạy cho con.... và Tina là cô học trò rất cố gắng, học 6 buổi 1 tuần, nó học một năm bằng người khác học 3 năm thanh nhạc.
- Ông dạy học trò thành tài rất nhiều, nhưng đôi khi học trò thành công không phải ai cũng nhớ đến thầy. Với ông, có khi nào cảm giác đó xuất hiện và có khi nào ông cảm thấy chua chát?
- À, trường hợp đó xảy ra rất nhiều thầy, nhưng với tôi thì không có. Học trò nhớ đến tôi lắm, đi xa mấy vẫn nhớ đến tôi. Có những học sinh ở những đất nước xa xôi như Nhật Bản, Hà Lan, vẫn nhớ đến thầy nghèo ở quê hương. Những món quà, hay chỉ những tin nhắn thôi cũng đủ làm tôi vui.
Nghề thầy giáo là nghề đưa đò, đưa qua sông rồi thì học sinh có khi quên, đó là một thực trạng có thật. Làm thầy rất buồn, trong nghề sư phạm này, mười ông thì năm ông dạy theo kiểu nạt, mắng, dọa để học sinh học. Cái đó chính là cái dở trong sư phạm, thầy bình thường dạy chữ mà nạt học sinh thì đã là sai rồi, huống hồ học hát.
Học hát khó lắm chứ. Nghề hát chỉ có một thứ nhạc cụ là bản thân anh ta. Bản thân ca sỹ là nhạc cụ sống. Vậy có thể nói nghề này là nghề khó dạy nhất. Học sinh đến với mình với một tâm trạng hào hứng để học, mà thầy lại dạy lại nạt hay quát mắng, thậm chí nói móc một câu thôi thì học sinh bị cụt hứng và nó sợ không dám học. Có những ông thầy làm học sinh nó ghi nhớ, khi tốt nghiệp rồi, ra đường gặp họ không chào thầy, như là không biết vậy.
- Đã gần 80 tuổi, nhưng giọng hát của ông vẫn còn rất mạnh, có lẽ vì thế mọi người không thấy ông đang đeo cái ách quá nặng của nghề. Nhưng có khi nào ông nghĩ nếu mà mình không đeo mang những công việc này, ông sẽ thảnh thơi hơn, và an hưởng tuổi già?
- Cũng có nhiều người hỏi tôi, nếu kiếp sau, thầy có làm nghề hát không? Điều đó là chắc chắn. Cái này nó như nghiệp. Ngày trước, tôi đã vào đại học Thủ Thiêm ở Hà Nội, khóa đầu tiên luôn. Nhưng rồi tôi bỏ, đi học thanh nhạc. Cả nhà tôi mắng tôi, tôi phải giấu một năm.
Buổi sáng, nhà tôi trên đường Nam Bộ (Hà Nội), đi tay phải là trường đại học Bách Khoa, đi về phía trái là Nhạc viện Hà Nội, mẹ tôi và mấy đứa em theo dõi, thế là tôi phải đi sang tay phải, vòng qua mấy phố mới đến trường nhạc. Đến cuối năm, tôi có tên trong danh sách những học sinh đi biểu diễn báo cáo ở vườn hoa Chí Linh cho mọi người xem, thế là bị... lộ.
Năm thứ nhất, mẹ còn cho suất ăn sáng là gói xôi. Đến khi biết tôi học hát, mẹ cúp luôn, không được gì cả. Đi học nhịn đói. Cô em năm trước mách lẻo, đến giờ thương anh, buổi sáng nắm trộm một nắm cơm cho anh. Đến khi học nhạc kịch với chuyên gia Liên Xô, mệt kinh khủng. Có hôm một nắm cơm không đủ, đang hát tôi ngất xỉu. Chuyên gia phải cho tiền đi ăn bát phở. Ăn xong lấy sức về hát nhạc kịch. Nói chung, vì là cái nghiệp, nên mình cũng đeo mang nó đến giờ như niềm vui. Nó nhàn nhã hơn trước nhiều rồi. Không có cái nghề dạy học có khi mình cũng u ám lắm.
- Trong cuộc sống sau này, có khi nào ông vất vả như ngày đầu đi học?
- Nho nhỏ thôi, khó khăn nhiều nhất là trong thời chiến. Có khi tôi ôm cây đàn guitar, đứng giữa ruộng hát liền 5 bài cho thanh niên xung phong nghe. Hát xong, bước lên đỉa bám đầy cả hai ống chân. Vất vả nhưng cũng tự hào. Chắc trên thế giới chỉ có mình tôi là một, ca sỹ đứng hát giữa ruộng cầy.
- Xin chuyển một chút qua công việc ca hát. Dường như dòng nhạc kịch tính mà ông chọn khá đặc trưng ở Việt Nam chỉ có Trần Hiếu, không có người thứ hai. Và vì đặc trưng như thế, các hãng đĩa cũng ngại ngần. Đến giờ ông mới có 2 album riêng, có là quá khiêm tốn so với hành trình 51 năm ca hát?
- Tôi không bao giờ xin ai cái gì, và cũng chẳng nịnh ai bao giờ. Ai cần thì mời tôi thu âm, thế thôi. Tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ phải làm album cho mình.
Kể cả thời chống Mỹ, nhiều ca sỹ nổi tiếng qua đài phát thanh, mà tôi lại lười thu âm. Rồi có truyền hình, tôi là ca sỹ đầu tiên được mời hát. Nhưng cũng chẳng có ý thức phải lưu lại. Tôi có khán giả của mình. Có nhiều khán giả hay lắm. Họ nói Trần Hiếu là người đặc biệt, muốn xem thì phải bỏ tiền vé ra xem.
Ở Hải Phòng, có một ông, cầm trên tay 10 cái vé, gõ vào mũi tôi: “Vì anh mà tôi mất 10 đêm đây”. Là bởi vì khi khán giả yêu cầu hát lại, tôi không bao giờ hát bài đêm trước, mà hát một bài khác. Và đó cũng là lẽ sống của tôi. Tôi dạy học trò và cả con Hà nhà tôi, đó là phải biết tự phủ nhận, đã có một thắng lợi rồi thì phải tự phủ nhận, thì mới có cái mới được.
Vì cái thứ nhất mình được, cái thứ hai giống cái thứ nhất, cái thứ ba giống cái thứ nhất thì họ bắt đầu nhàm, và đến cái thứ mười giống cái thứ nhất thì mình không còn là gì cả, lúc đó chỉ một thứ gì đấy, lúc đó họ sẽ không thèm nghe nữa.
Hà Trần ảnh hưởng tôi từ trong huyết quản!
- Nhân nhắc tới Trần Thu Hà, gần đây có bài viết về tâm sự của cô Minh Huệ, vợ cũ của ông, có nói về việc dạy Hà hát và cho rằng Hà ảnh hưởng từ cô nhiều hơn ông. Hẳn là ông đã đọc…
- Khi tôi dạy Hà qua trung cấp thanh nhạc rồi, tôi mới cảm thấy khó là vì bố giọng trầm, con giọng cao, thế nên khi dạy nó thì cảm thấy có một cái hạn chết nhất định. Vì vậy tôi mới nhờ một cô giáo dạy một buổi học thêm cho Hà bên cạnh hai buổi lên lớp mỗi tuần.
Vì có những khúc cao quá, phải nhờ cô giáo ấy làm mẫu. Nói gì đi nữa thì cô Minh Huệ cũng có một chút công lao trong việc dạy Hà. Nhưng cái đó chỉ là kĩ thuật, đến khi dựng bài và tinh thần hát, Hà vẫn là học trò chính thức của thầy Hiếu mà. Kể cả sau này 4 năm Đại học của Hà cũng thế, tôi luôn hỗ trợ con gái từng bước. Hà tự biết nó học ai. Hà không vô ơn, nó biết ơn những gì bà ấy dạy. Hà học được từ của bố, cái tự phủ nhận, để có dáng dấp riêng của mình.
Có một thời gian Hà thích Mỹ Linh và bắt chước giọng hát của Mỹ Linh, tôi phải nói đủ điều, giải thích. Tôi nói, đây là Thu Hà, con của bố, chứ Mỹ Linh không phải là con của bố. Thế rồi có Trần Thu Hà… có Nhật thực. Xem đêm diễn đó, tôi run lên vì xúc động. Tôi nói, trước con chỉ là ca sỹ trẻ thôi. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên, bố gọi con là nghệ sỹ… Đấy, hành trình của chúng tôi như thế đấy, làm sao ai phủ nhận được.
Giảng viên thanh nhạc Minh Huệ, vợ cũ NSND Trần Hiếu. |
- Xin ông cho một lời, rằng có người thứ ba xen vào cuộc hôn nhân này hay không?
- Không thể. Chúng tôi ly hôn vì nhận ra không thể tồn tại được bên nhau.
- Vâng, nếu vợ quá ghen thì chồng dễ mất bạn. Nhưng con mình thì làm sao mà mất được, thưa ông?
- Hai đứa con tôi, Hoàng và Hà ngày đó nói thẳng, bố mà lấy cô ấy là chúng con không chấp nhận. Hà đến học cô Huệ nhưng học xong rồi về, mặt lạnh tanh. Mãi sau này nó mới chịu học. Nó bảo, bố bắt con học thì con mới học thôi, bố làm khổ con đấy.
Chưa bao giờ Hà đến thăm nhà của tôi và Huệ. Vì nó giận mà. Kể cả ngày sinh nhật của tôi, nó cũng không đến, nó cứ bảo bố về nhà con, con làm tiệc cho bố. Kể cả ngày Tết cũng thế, Hà bảo: “Thôi bố về nhà với con đi”. Nhưng Huệ khi ấy là vợ, Huệ cũng làm sinh nhật cho chồng, thế là tôi chẳng về được với con. Đấy, mất con là vì thế. Phải mãi sau này, khi ra đời Hà mới nghĩ lại.
Còn chuyện mất bạn thì thế này, nhiều bạn tôi nói, đừng trách là không đến với mày, nhưng gặp vợ mày tao thấy không thoải mái. Còn khán giả thì thôi rồi, nhà báo nữ thì đừng hòng hỏi tôi được một câu. Dù trẻ hay già, không nữ nhà báo nào phỏng vấn được tôi, chứ đừng nói đến khán giả nữ. Tôi mất khán giả cũng là vì thế. Đó là lý do ly hôn.
Thực sự là cô ấy đã nói không đúng trên báo. Nhưng tôi không muốn nói qua nói lại, làm vậy không nên chút nào. Tất cả những người thân, học trò của tôi đều hiểu. Họ khá bất bình, nhưng tôi nghĩ, thôi, cũng chẳng đáng gì đâu. Từ ngày ra tòa, chúng tôi không gặp nhau. Nhưng nhiều học trò nói, cô ấy vẫn xưng là vợ của NSND Trần Hiếu khi dạy học trò. Thực sự thế nên tôi thấy những gì cô ấy nói trên báo vừa qua như một hình thức PR bản thân. Thế thôi…
- Nghe ông nói thì dường như đời ông đã gặp một khúc trầm, liên lụy tới đàn bà, và để lại quá nhiều tai tiếng?
- Càng ngày càng nhận ra quá nhiều sự khác biệt. Ban đầu là cãi vã, sau đó thì tôi cố giữ im lặng. Nhưng giữ im lặng thì mình bị đau đầu, trầm uất. Có dạo tôi gầy tọp đi và mệt mỏi vì những chuyện đó. Đến khi chia tay, tôi đã ra đi với không một xu dính túi. Cả đời dành dụm đã trắng tay.
Khi ở với bà ấy, tất nhiên bà ấy may cho tôi quần áo, nhưng khi tôi đi thì bà ấy giữ lại tất cả. Chỉ còn vài cái quần áo mà tôi tự bỏ tiền ra mua thì tôi mới mang đi thôi. Còn lại thì để lại, kể cả cái buồng bà ấy ở cũng là tiền của mình, mình cũng để lại…
Sai lầm lớn nhất trong đời tôi là yêu bà ấy, phải chịu khổ trong 8 năm trời. Mặc dù sau một năm thì tôi đã nhận ra, nhưng không muốn bỏ nữa, vì mình cũng lớn tuổi rồi. Tôi nghĩ là tôi có thể cải tạo được. Nhưng không. Sự bền bỉ làm tôi thành trầm cảm…
- Trần Thu Hà có phản ứng gì về bài báo không, thưa ông?
- Không!
NSND Trần Hiếu và người vợ hiện tại. |
- Tôi luôn có một khát vọng, là ba nghệ sỹ nhà tôi lập thành Trần gia nhã nhạc, đi diễn xuyên Việt. Trần Tiến bảo, có thể xuyên cả châu Âu nữa. Nhưng khó. Vì tôi bây giờ, vứt học trò cho ai? Năm nào cũng có đứa tốt nghiệp cả, phải lo cho chúng nó chứ. Và hơn thế, mỗi người mỗi kế hoạch. Hà bây giờ nó có sự nghiệp riêng và ở xa, cũng phải để nó lo sự nghiệp của nó nữa. Chứ chúng tôi đã từng ngẫu hứng hát ở một vài nơi và rất nhiều người hào hứng với phần biểu diễn đó.
- Nhưng dù có thế nào đi nữa, thì ông cũng đã có một hậu sinh khả úy. Dù có kết hợp hay không thì tôi nghĩ ông vẫn tự hào?
- Tự hào vì nó là con mình. Hà bây giờ nói hát mỗi show không dưới 3.000 đô la, gần sáu chục triệu, trong khi cát sê của mình cao nhất là 6 triệu. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc Hà biết tự phủ nhận mình, trở thành ca sỹ độc lập với phong cách riêng, hát nhạc jazz rất tốt và luôn tìm kiếm những điều mới mẻ. Nghệ sỹ phải là như thế.
- Ông có tính chuyện làm một liveshow kỷ niệm lúc về già?
- Hơn 55 năm rồi, nếu kể cả thời gian hát nghiệp dư, thì tôi đã có 64 năm ca hát. Thế là đủ rồi. Đến giờ tôi hát vẫn thoải mái, 13 bài liên tục vẫn còn khỏe. Nhưng làm show thì còn phụ thuộc nhiều thứ, tiền chẳng hạn, ít nhất cũng phải 300 triệu. Mà nếu mình có số tiền ấy, mình sẽ làm việc khác. Nói thật, có những lúc tôi đã tính giã từ nghề hát. Lúc mẹ con Hà chết, tôi tưởng không thể hát được nữa, vì buồn quá, nhưng khán giả đã kéo tôi về lại. Và một năm sau khi vợ chết, tôi đi hát lại. Tôi nghĩ, tôi sẽ rút lui khi khán giả còn yêu mến mình! Mời Quý độc giả chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và hiến kế để
Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa
Bấm vào đây để viết ý kiến, hoặc gửi về email