Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trạm bơm oxy trong nhà máy thép tiếp sức ATM oxy đi khắp TP.HCM

(VTC News) -

Những chuyến xe vẫn ra vào nhà máy thép Tân Thuận (quận 7) đã ngừng hoạt động để tiếp oxy miễn phí từ trạm bơm cho ATM oxy đi khắp TP.HCM.

Một trạm bơm oxy y tế miễn phí được lắp đặt ngay trong Nhà máy thép Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - nơi đã dừng hoạt động 3 tháng nay do dịch COVID-19, đang ngày ngày thực hiện sứ mệnh đem oxy đi cứu F0 khắp thành phố.

Trạm bơm oxy tại Nhà máy thép Tân Thuận. 

Tất cả vì F0

Trước tình trạng khan hiếm oxy cho F0 ngày càng tăng, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã kêu gọi và kết nối các nguồn lực từ doanh nghiệp và cộng đồng nhằm giúp sức cho thành phố. Sẵn đã có vỏ bình oxy, anh Hoàng Tuấn Anh, “cha đẻ” của ATM gạo và ATM oxy cùng với Nhà máy thép Tân Thuận (Công ty AVS) lập nên trạm bơm oxy miễn phí tiếp sức F0.

Anh Trần Minh Đức, Trưởng phòng Phát triển dự án, Công ty AVS cho biết, để xây dựng được trạm bơm oxy, nhà máy đã huy động công nhân “sản xuất 3 tạo chỗ” trong 10 ngày sửa sang máy móc, khôi phục lại phân xưởng vì trước đó nghỉ tránh dịch, chuyển đổi từ mô hình oxy công nghiệp sang oxy y tế.

“Lúc đầu không muốn tham gia do nhân lực thiếu, công nhân nghỉ trước đó đã về quê hoặc ở nhà xa (Hóc Môn, Đồng Nai, Bình Dương,…), nhưng vì F0 ngày càng tăng, thiếu oxy, công ty quyết định huy động anh em làm “3 tại chỗ”, cũng khá là nan giải bước đầu do đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Nhưng rồi có sự hỗ trợ của Thành đoàn thành phố nên công nhân trở lại làm việc được. Anh em đều trên tinh thần hỗ trợ cho thành phố, cho Sở Y tế miễn phí, chi phí sản xuất là khoản thiện nguyện giúp cho các F0”, anh Đức cho biết.

Công suất trạm bơm khoàng 500 bình 40 lít/ngày. 

Theo anh Minh Đức, mỗi ngày công suất phân xưởng đạt 500 bình oxy 40 lít, nếu mỗi ngày tiếp đủ 500 bình thì khoản chi phí trong một đến hai tháng tới cũng phải lên đến 2 tỷ đồng.

Quy trình công nghệ của phân xưởng oxy này cũng tương đương quy trình sản xuất oxy y tế, độ tinh khiết của oxy đạt 99,96%. Trước đó do không có nhu cầu sản xuất oxy y tế nên Công ty không xin cấp phép về y tế, nay chuyển đổi mô hình, công ty đã đưa mẫu oxy đi kiểm nghiệm đạt chuẩn và đã được các cơ quan và Sở Y tế TP.HCM cấp phép sản xuất, đóng bình.

Một ngày 1 người có thể dùng bình 40 lít nếu bệnh nhân nặng thở oxy liên tục, phân xưởng có thể cung ứng cho 500 người. Nếu bệnh nhân nhẹ, không cần thở oxy liên tục thì một ngày cung cấp cho 2.000 người (bình 15 lít). Việc điều phối oxy sẽ qua trung tâm 24/7 của ATM oxy theo nhu cầu của các bệnh nhân”, anh Đức nói.

Công nhân Võ Minh Nhật đang tháo bình oxy đã đầy. 

Anh Võ Minh Nhật, một công nhân tại trạm bơm cho biết, công nhân làm việc từ 5h30 sáng đến 9h tối. Tất cả đều làm tình nguyện với mong muốn “tiếp sức” cho thành phố điều trị F0.

Anh em công nhân đều tình nguyện làm, có một số anh em không thuộc nhà máy thép Tân Thuận mà thuộc nhà máy khác nhưng vẫn xung phong sang bên phân xưởng oxy khi thiếu người, thiếu kỹ sư điện. Công nhân đều được xét nghiệm COVID-19 âm tính và tiêm vaccine thì mới tham gia tại trạm bơm", anh Nhật nói.

Mô hình mẫu cho các phân xưởng oxy khác

“Cha đẻ” ATM oxy Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty khóa điện tử PHGLook cho biết, Trạm bơm oxy chuyển đổi đầu tiên này lập ra nhằm hỗ trợ cho ATM oxy mang “hơi thở” cứu các F0 khắp thành phố.

Việc chuyển đổi phân xưởng oxy của một nhà máy thép rất quan trọng bởi sẽ là một mô hình mẫu để các nhà máy thép khác có sản xuất oxy có thể học tập chuyển đổi phục vụ cho oxy y tế khi số F0 chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Để cho một ATM oxy đạt hiệu quả trong việc đem bình oxy đến tận nhà cho người dân thì việc mở trạm bơm này rất quan trọng, mình có ATM oxy, có bình nhưng khi hết oxy bệnh nhân sẽ không có oxy dùng nếu không có trạm bơm tiếp tế kịp thời. Trước kia phải di xa tận Hóc Môn thì nay gần hơn, hỗ trợ cho F0 nhanh hơn, nhiều F0 được cứu hơn”, anh Tuấn Anh nói.

“Cha đẻ” ATM oxy Hoàng Tuấn Anh. 

Hiện giờ ATM oxy do anh Tuấn Anh lập ra đã có hơn 4.000 bình luân phiên đi “nạp” oxy ở các trạm và số lượng sẽ tăng gấp đôi trong một hai tuần tới. Với số lượng bình oxy này đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân, tuy nhiên có thời điểm cũng thiếu do số F0 tăng cao một lúc hay lúc giữa đêm…

“ATM oxy cố gắng thêm số lượng bình cũng như tăng xe để đáp ứng oxy trong ngày. Mua thêm một số bình để cố gắng từng ngày đáp ứng yêu cầu chữa bệnh của các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, trạm y tế lưu động, F0 tại nhà. Lập đội xe khoảng 50 chiếc, mỗi quận vài chiếc để luân chuyển oxy đi các nơi có F0 và mỗi ngày thu gom 1 đến 2 lần đưa đến trạm bơm Tân Thuận tiếp tế”, anh Tuấn Anh cho biết.

Ngoài ra, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cung cấp miễn phí 2.600 bình oxy loại 8 lít-15 lít và 1.700 bình oxy loại 40 lít về các trạm. Thành đoàn TP.HCM thành lập đội thực hiện các nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, kiểm tra và phân loại các trường hợp cần oxy khẩn cấp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

“Trạm Tân Thuận ở quận 7 này, sắp tới có trạm ở Thủ Đức nữa thì vận chuyển oxy cho các bệnh viện, cho ATM oxy gần hơn, thuận tiện hơn, 1 ngày đi 2 -3 chuyến, xoay tua như vậy thì nhiều bệnh nhân sẽ được cứu hơn”, anh Tuấn Anh nói.

MAI THÚY

Tin mới