Từ nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở thôn Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) phải sống cạnh những trại nuôi heo bốc mùi hôi thối.
Một số trại nuôi heo sát trường mầm non khiến nhà trường phải tìm cách chuyển học sinh đến nơi khác học tập.
Một trại nuôi heo quy mô lớn ở thôn Hoành Vinh, xã An Ninh.
Thôn Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh hiện có 28 hộ nuôi heo trong khu dân cư, trong đó có 2 trại nuôi heo quy mô lớn với tổng đàn lên đến hàng ngàn con. Chiều về, đi dọc đường làng, người dân phải bịt kín khẩu trang vì mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi.
Anh Nguyễn Văn Long, ở thôn Hoành Vinh cho biết, nhiều gia đình chăn nuôi heo làm cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân: “Đến mùa gió trở trời là chịu không nổi, đến bữa ăn phải đóng cửa lại, nằm ngủ trong nhà còn nghe mùi hôi thối. Nguồn nước giếng không ai dùng nữa vì ô nhiễm. Con em đi học cũng chuyển trường vì mùi hôi, phân thải ra môi trường khiến tôm cá cũng chết”.
Theo thói quen, các trang trại nuôi heo xả thẳng nước thải ra kênh mương, gây tắc nghẽn nhiều đoạn kênh, nước bẩn tràn ra ruộng.
Ông Trần Văn Đại, ở thôn Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, cơ quan chức năng nhiều lần xuống kiểm tra, yêu cầu chủ trang trại cam kết không gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục: “Mỗi lần gió là hôi chịu không nổi. Phụ huynh phản ánh rất nhiều về dãy chuồng heo gần trường mẫu giáo, Phòng Tài nguyên và Môi trường về làm cam kết nhưng mọi việc đâu lại vào đó”.
Nước thải trại nuôi heo chảy tràn ra đường.
Trước sân trường Mầm non An Ninh, gần 100 cháu nhỏ đang học thường xuyên chịu mùi hôi thối bốc ra từ 2 trại nuôi heo. Phụ huynh và thầy, cô giáo nơi đây nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm tại khu vực này. Một số cháu phải chuyển sang học ở nơi khác, nhiều cháu vẫn phải học trường cũ.
Ông Trương Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, chính quyền xã đã nhiều lần mời 3 chủ trại heo quy mô lớn là các ông: Võ Văn Hùng, Võ Văn Tài và Võ Văn Hoàng lên làm việc.
Họ cam kết sẽ giảm số lượng heo nuôi sau khi chờ thương lái đến mua hết số heo còn lại.
Xã cũng đã đình chỉ, cấm một số hộ chăn nuôi gây ô nhiễm quanh khu vực trường học.
Tuy nhiên vẫn còn tình trạng: "Khi nào chính quyền mạnh tay thì người ta ngừng sản xuất, còn khi nào giá cả lên thì người ta bất chấp tất cả để chăn nuôi”, ông Long cho hay.
Theo ông Nguyễn Viết Giai, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Ninh, số heo tại các trang trại quá lớn nên hệ thống biogas chứa không hết, phân thải chảy theo hệ thống thoát nước tự nhiên xuống ruộng và khu dân cư.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình khẳng định, huyện sẽ kiểm tra và có biện pháp khắc phục tình trạng này: “Xưa nay bà con mình cứ quen chăn nuôi trong khu dân cư, đó là do lịch sử để lại. Quan điểm của huyện là phải dần dần thực hiện đúng theo quy hoạch, sau khi kiểm tra thực địa và căn cứ vào quy hoạch cũng như các quy định pháp luật, UBND huyện sẽ chỉ đạo, đảm bảo môi trường trong lành cho bà con trong khu vực”.