Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trải nghiệm độc đáo của học sinh Nga ở trại hè Triều Tiên

(VTC News) -

Yuri Frolov từng tham gia Trại hè quốc tế Songdowon ở Triều Tiên vào năm 2015 - 2016.

Bài viết theo ngôi thứ nhất, được biên tập và dịch lại theo lời kể của Yuri Frolov, công dân Nga từng tham gia Trại hè thiếu niên quốc tế Songdowon ở Triều Tiên. Yuri năm nay 24 tuổi và từng có 2 mùa hè (2015 - 2016) tại đây. Songdowon nằm ở Wonsan, thành phố ven biển bờ Đông Triều Tiên.

Khi còn nhỏ, tôi nhớ đã từng xem một bộ phim tài liệu trên tivi về Triều Tiên. Mặc dù lúc ấy còn rất trẻ, nhưng nhận thức của tôi về đất nước này là họ đang bị các nước láng giềng tư bản bao vây.

Tôi biết rất ít. Tôi muốn tận mắt nhìn thấy đất nước đó.

Tôi cố gắng tìm thêm thông tin nên đã đăng ký vào một nhóm có tên "Đoàn kết với Triều Tiên" trên VKontakte - phiên bản Facebook của Nga.

Yuri Frolov selfie ở Quảng trường Kim Nhật Thành. (Ảnh: Yuri Frolov)

Trong nhóm đó, Nga đưa ra cơ hội đến Triều Tiên tham dự trại hè dành cho trẻ em với giá khoảng 300 USD (khoảng hơn 6 triệu đồng vào năm 2015 - PV). Chi phí đó đã bao gồm thức ăn, chỗ ở, tất cả các tiện nghi, vé máy bay và mọi thứ khác - thực sự rẻ cho chuyến đi 15 ngày.

Tôi coi đây là cơ hội được tận mắt nhìn thấy Triều Tiên nên đã xin bố mẹ, và họ đồng ý gửi tôi đến Songdowon.

Tôi đi một mình từ St. Petersburg, nơi tôi lớn lên, đến Vladivostok, ở vùng viễn đông nước Nga. Đến đó, tôi gia nhập cùng một nhóm trẻ em khác và một số quan chức. Khi ấy 15 tuổi, tôi là một trong những thành viên lớn tuổi nhất, những em khác mới chỉ 9, 10 hoặc 11.

Quang cảnh Bình Nhưỡng từ khách sạn của Yuri. (Ảnh: Yuri Frolov)

Tôi có lẽ cũng là người duy nhất đến Triều Tiên để tận mắt thấy đất nước đó, những thành viên khác có vẻ chỉ xem đó là cơ hội để đi chơi biển hoặc có khu vui chơi giá rẻ.

Đầu tiên, chúng tôi dành 2 ngày ở Bình Nhưỡng khi liên tục bị giám sát. Chúng tôi đến thăm nhiều nơi, từ Quảng trường Kim Nhật Thành đến bảo tàng chiến tranh, nơi họ trưng bày các loại phương tiện Mỹ thu giữ được, và thậm chí cả chiếc USS Pueblo, tàu gián điệp của hải quân Mỹ bị Triều Tiên bắt được vào những năm 1960. Họ cũng đưa chúng tôi đến siêu thị để mua sắm. Điều thú vị là rất dễ để mua vodka hoặc thuốc lá.

Có mấy đứa trong nhóm của tôi, bé nhất là 12, còn mua vodka gạo của Triều Tiên, mang về trại và sau đó say xỉn trong suốt mấy đêm đầu tiên.

Tòa nhà chính của Trại hè quốc tế Songdowon. (Ảnh: Yuri Frolov)

Khi tới Songdowon, nhân viên rất thân thiện, xếp hàng dài chào đón chúng tôi. Có khoảng 5 xe buýt chở trẻ em tới trại. Dù phần lớn chúng tôi là người Nga, cũng có cả các nhóm trẻ em từ Lào, Nigeria, Tanzania và Trung Quốc. Tuy nhiên, trẻ em Triều Tiên ở cùng trại khá xa cách với chúng tôi và chúng tôi chỉ được gặp họ một lần vào ngày cuối cùng.

Trại hè có rất nhiều hoạt động, như đi chơi ngoài bãi biển, thi xây lâu đài cát hay là bơi lội. Tuy nhiên, cũng có cả vài hoạt động khá kỳ lạ. Ví dụ, chúng tôi từng đi lau tượng các cố lãnh đạo Triều Tiên. Một sáng nọ, chúng tôi thức giấc lúc 6 giờ để làm vệ sinh khu tưởng niệm hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Công việc chỉ đơn giản là lau bụi. Cần biết rằng khu tưởng niệm vẫn được làm vệ sinh định kỳ 1 tuần/lần bởi các nhân viên chuyên nghiệp. Cảm giác khá lạ.

Hội trường hòa nhạc ở trại hè. (Ảnh: Yuri Frolov)

Chúng tôi cũng tham gia các buổi hòa nhạc, hát các bài ca tuyên truyền ca ngợi nhà lãnh đạo. Chúng tôi được phát bản dịch lời bài hát sang tiếng Nga. Có cả trò chơi điện tử, trong đó có một trò đóng vai nhân vật chuột hamster lái xe tăng đi phá hủy Nhà Trắng. 

Thời gian biểu rất khắt khe. Có lần tôi bị ốm nhưng họ không cho phép tôi bỏ qua bài tập thể dục sáng sớm. Đồ ăn cũng không xuất sắc, đa phần là cơm, khoai tây miếng và bánh mì. Sau chuyến đi, tôi bỗng thèm Burger King đến mức đi mua 3 chiếc burger, hai suất khoai chiên lớn và một cốc Coca.

Năm thứ hai, tôi vẫn quay lại và có thêm trải nghiệm. Vẫn không biết tại sao bố mẹ lại đồng ý cho tôi đi, nhưng nếu được chọn lại tôi chắc chắn vẫn sẽ đến Triều Tiên. Tôi có thể kết bạn dễ dàng chỉ bằng cách kể lại trải nghiệm của mình, ai cũng muốn được nghe kể về Triều Tiên.

Thạch Anh (Nguồn: BI)

Tin mới