Chị Hạnh, ở Gia Lai cho biết, 2 tuần nay chị và chồng thường xuyên lên rừng săn tìm loạt mít nài, quả bé hơn mít Tố Nữ để mang về bán cho dân buôn với giá 15.000 đồng/kg.
"Có ngày hai vợ chồng khai thác được nửa tạ, hôm lên tới một tạ nhưng được các thương lái gom hết để đem ra thành phố bán. Loại quả này rất hút hàng vì chúng lạ miệng và mùi vị khác hẳn so với mít thông thường", chị Hạnh nói.
Mít rừng có giá 30.000 đồng một trái. (Ảnh: Phương Thanh)
Cũng chuyên đi hái trái cây rừng, chị Hoa ở Khánh Hòa cho hay, nho rừng là đặc sản được khách thành phố ưa chuộng. Mỗi tuần chị lên rừng hái được khoảng hơn chục kg mỗi ngày. Mỗi kg nho rừng bán cho thương lái ở mức 50.000-60.000 đồng/kg.
Theo chị Hoa, trước đây, nho rừng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, thường được người dân mua về ngâm rượu hoặc đường nhưng nay được chuộng nên giá tăng cao.
"Nho và mít rừng thường chỉ có từ tháng 7 đến tháng 9 nhưng khách mua nhiều nên hàng về đến đâu hết đến đó", chị Hoa nói.
Chị Thanh ở quận Thủ Đức TP.HCM cũng cho hay, với mít, thay vì bán theo kg, chị bán theo trái với giá 30.000 đồng (chưa tới 1 kg). Còn nho rừng mỗi kg có giá 130.000 đồng.
"Tuần rồi, tôi về khoảng 2 tạ mít rừng nhưng đều 'cháy hàng'. Chúng tuy trái nhỏ, múi ít nhưng khách ăn đều khen ngon. Thay vì ngọt đậm như mít trồng, loại này chua chua, ngọt ngọt khiến khách rất thích. Ngoài ra, cũng vì vị lạ nên chúng ăn không ngán. Một người có thể ăn 2-3 trái", chị Thanh nói.
Nho rừng tại Khánh Hòa. (Ảnh: Ngọc Thúy)
Không chỉ tranh thủ gom mít, nho rừng, chị Linh, ở Quận 8 (TP.HCM) còn lấy thêm các loại quả khác như chôm chôm, sim, xoài rừng.
"Các loại này tôi chỉ bán vào thứ 7. Tuy nhiên, lần nào cũng không đủ đơn cho khách. Vì hàng hiếm mà khách đông nên chỉ giao đủ cho người nào đặt trước".
Chôm chôm rừng nhìn khá bắt mắt. (Ảnh: Phương Thanh)
Theo các thương lái, trái cây rừng là loại mọc tự nhiên nên chỉ có theo mùa và số lượng hạn chế. Điểm lạ của các loại này là có vị chua khá gắt nên nếu ăn không quen khách sẽ nhanh chán. Tuy nhiên, nếu để ngâm làm nước giải khát thì khá ngon.
Hiện, các loại trái cây rừng này được khai thác ở các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Nông, Đắk Lắk và một số tỉnh miền Trung.