Kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Hẳn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết toàn tỉnh có trên 65.000 ha đất trồng rau củ quả chủ lực, sản lượng hàng năm trên 1,1 triệu tấn, là một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng rau củ quả lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ sản phẩm hiện còn khó khăn, chủ yếu qua trung gian, thương lái ngoài tỉnh, chưa mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có yêu cầu cao như châu Âu, Trung Đông. Hiện tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng cả về điều kiện tự nhiên sản xuất nông nghiệp, sức lao động trẻ và phong trào khởi nghiệp nông nghiệp nhằm phát triển, kết nối thị trường, nâng tầm sản phẩm rau củ quả. Đây là điều mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn băn khoăn, trăn trở nhiều năm qua”, ông Lê Văn Hẳn nói.
Ông cũng cho biết thêm: “Thị trường xuất khẩu rau củ quả hiện nay chủ yếu sang Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp đầu mối hoặc thương lái theo thời vụ. Đây là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn so với các quốc gia phát triển khác; giá trị gia tăng, thu nhập của nông dân sản xuất rau củ quả vì thế còn thấp”.
Ông nói rằng, xu hướng chuyển dịch xuất khẩu rau quả Việt Nam từ thị trường Trung Quốc sang châu Âu do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới tại châu Âu ngày càng tăng, mức tiêu thụ dự báo tăng 5 - 8% trong những năm tới, mở ra nhiều cơ hội lớn.
Dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông do Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam khởi xướng, tổ chức nhằm mục đích thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, từ tài chính, thị trường đến khoa học, công nghệ, nhân lực để nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng vì sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng logistics hiện đại.
Trong đó, Quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo giúp nông dân sử dụng thuần thục công nghệ trong sản xuất, làm ra sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp nông dân nâng cao năng lực và trở thành nhà cung ứng của chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Bên cạnh đó, dự án cũng đồng hành hỗ trợ tài chính, cây giống, phân bón vi sinh… giúp nhà nông tăng năng suất, hiệu quả canh tác xanh, bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại sẽ mở ra cơ hội rộng lớn để nông, thủy sản của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỉ USD.
Thứ trưởng Võ Thành Thống nói: “Trong bối cảnh đó, việc UBND tỉnh Trà Vinh đồng hành cùng Quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam thực hiện chương trình Kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông và dự án kho lạnh thông minh là hành động tiên phong, kịp thời, có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống, năng lực cạnh tranh, sản xuất cho bà con. Điều này rất đáng được hoan nghênh, ủng hộ và nhân rộng”.
Kho lạnh thông minh
Trong khuôn khổ chương trình, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam còn kết nối, vận động tài trợ từ các nguồn lực xã hội và quốc tế để thực hiện dự án xây dựng chuỗi 5 kho lạnh thông minh tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Những kho lạnh này sử dụng công nghệ IoT (internet vạn vật) để điều tiết, giám sát chặt chẽ môi trường bảo quản nông sản thông qua điều khiển từ xa; tự động đăng ký, kiểm soát chi tiết sản phẩm. Điều này không chỉ giúp bảo quản nông sản tươi ngon, chất lượng trong thời gian dài, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thông tin sản phẩm, cũng như hỗ trợ nông dân quản lý, quy hoạch vùng trồng.
Trước mắt, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam đã phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức khởi công dự án mô hình trình diễn kho lạnh thông minh tại Trà Vinh với nguồn kinh phí tài trợ từ Ủy ban Tham vấn liên bộ về Tài chính và Xuất khẩu FinExpo (Bỉ) do Công ty IceLoft làm đơn vị đầu tư thi công. Toàn bộ nguyên liệu, máy móc xây dựng được nhập khẩu từ Bỉ.
Mô hình trình diễn này là hình mẫu tối ưu trong kỹ thuật bảo quản nông sản, tích hợp công nghệ IoT, mô phỏng hoàn hảo, chân thực phương thức xây dựng, vận hành kho lạnh thông minh.
Mô hình sẽ là nơi để Quỹ phối hợp cùng với các đối tác thực hiện các chương trình đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng cho nông dân; các chương trình chuyển giao công nghệ xây lắp, vận hành cho các nguồn lực trong nước. Việc triển khai xây dựng các kho lạnh thông minh trong dự án sẽ tiếp tục do IceLoft đồng hành cùng Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam và các nhà đầu thực hiện với nguồn nguyên liệu, nhân công dần được nội địa hóa.
Bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam, cho biết dự án xây dựng chuỗi 5 kho lạnh thông minh được triển khai song song với chương trình hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón vi sinh, tài chính… giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, sản xuất nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nông dân sẽ đóng vai trò trung tâm để hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao toàn cầu.
“Dự án này không chỉ giúp hạn chế tình trạng nông sản dư thừa, đổ bỏ, điệp khúc ‘được mùa mất giá’, giúp bà con nâng cao thu nhập, khẳng định giá trị và thương hiệu nông sản Việt mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Diệp nói.
Những người làm dự án cũng đã kết nối với các doanh nghiệp lớn như Saigon Coop, nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood… để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa song song với việc kết nối các các nhà phân phối hàng đầu thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu và Trung Đông.
Công ty Green Yard, một trong những nhà phân phối nông sản dẫn đầu thị trường toàn cầu với mạng lưới hoạt động trên 25 quốc gia và doanh thu lên đến 4,18 tỷ euro, đã chào đón sự ra đời của dự án cũng như đánh giá cao triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của nông sản Việt Nam.
Ông Frédéric Rosseneu, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu của Green Yard, chia sẻ: “Chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt là khi hiệp định EVFTA được thông qua. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Quỹ Khởi nghiệp xanh và các đối tác trong chương trình này với hy vọng sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho nông sản Việt và mong có nhiều hơn nữa nông sản Việt Nam trên kệ hàng các siêu thị hàng đầu châu Âu”.
Ông Nguyễn Văn Thảo - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế kiêm Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Đại diện Thường trực tại Liên minh châu Âu – đánh giá bối cảnh hợp tác kinh tế toàn cầu, đặc biệt là 13 hiệp định tự do thương mại là con đường cao tốc để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới.
“Nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, đảm bảo được điều kiện về mặt xã hội, môi trường; phải có các điều kiện logistics hỗ trợ để sản phẩm của chúng ta có thể thâm nhập một cách bền vững ra thị trường quốc tế”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ ODA của Vương quốc Bỉ, sự chung tay của công ty IceLoft, của UBND tỉnh Trà Vinh, Viện Kinh tế Xanh và Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam triển khai chương trình huy động nguồn lực hỗ trợ nông dân, đặc biệt là việc khởi công mô hình kho lạnh thông minh. Dự án này không chỉ có ý nghĩa với tỉnh Trà Vinh, mà còn với cả khu vực ĐBSCL, có tác động lan tỏa trong phát triển nông nghiệp, có ý nghĩa kinh tế, xã hội quan trọng”.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cử đoàn công tác gồm các đại sứ vào tham dự sự kiện này nhằm trao đổi, tìm hiểu, đồng hành cùng tỉnh Trà Vinh, các tỉnh ĐBSCL, bà con nông dân, các doanh nghiệp để đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào các thị trường có tiêu chuẩn cao nhưng có giá trị rất lớn như thị trường Trung Đông và châu Âu.