Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng về dự thảo bảng giá đất mới

TP.HCM sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến để tháo gỡ cho các hộ dân đã nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 1/8.

Sáng 18/8, TP.HCM tổ chức chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời với chủ đề “Luật Đất đai 2024: Quyền lợi và nghĩa vụ người dân - trách nhiệm của chính quyền”.

Chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời với chủ đề “Luật Đất đai 2024: Quyền lợi và nghĩa vụ người dân - trách nhiệm của chính quyền” vào sáng 18/8.

Tại chương trình, người dân đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc bảng giá đất điều chỉnh đang được xây dựng.

Cơ quan nào chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại?

Ông Nguyễn Văn Bạn, Bí thư Chi bộ khu phố 11 (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) đặt câu hỏi: TP.HCM đã nghiên cứu những gì để xây dựng bảng giá đất điều chỉnh sát giá thị trường? Bảng giá đất mới sẽ sử dụng cho mục đích gì và tác động thế nào tới người dân?.

Nhiều người dân cũng gửi câu hỏi tới chương trình, cho biết đã nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa được văn phòng đăng ký đất đai giải quyết. Nếu TP.HCM có bảng giá đất điều chỉnh, tiền sử dụng đất sẽ được tính theo bảng giá thời điểm nộp hồ sơ hay tính theo bảng giá đất mới khi cấp giấy chứng nhận?

Người dân đặt vấn đề, cơ quan nào chịu trách nhiệm nếu gây ra thiệt hại?

Trả lời câu hỏi của người dân, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẳng định, dự thảo bảng giá đất tác động rất nhiều đến tổ chức, người dân sử dụng đất trên địa bàn. Do đó, TP.HCM thực hiện rất thận trọng. Dù đã hết thời gian lấy ý kiến nhân dân vào 26/7 vừa qua nhưng TPHCM cũng đã tổ chức thêm các hội nghị lắng nghe để tiếp thu, nhận phản biện về nội dung này.

Hiện tại, TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến người dân, tổ chức các buổi phản biện xã hội và lấy ý kiến của HĐND TP.HCM thời gian tới. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến. Hội đồng thẩm định độc lập cũng thẩm định các nội dung trên và trình Sở Tư pháp trước khi gửi tới HĐND TP.HCM.

Dù người dân TP.HCM đổ xô đi làm thủ tục nhưng nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nộp từ ngày 1/8 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực) đang bị “treo”.

Theo quy định, bảng giá đất là căn cứ để tính nghĩa vụ tài chính khi thực hiện các thủ tục cho 12 đối tượng. Bảng giá đất điều chỉnh sẽ tác động đến các đối tượng khi thực hiện nghĩa vụ tài chính như nộp tiền sử dụng đất, nộp thuế, nộp lệ phí, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Thắng cũng nói rõ, theo quy định của Luật Đất đai 2024, trường hợp nộp hồ sơ mà cấp tỉnh đã quyết định điều chỉnh giá đất, các chi phí được tính theo bảng giá đã điều chỉnh. Tuy nhiên, TP.HCM chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh nên các sở, ban ngành đã báo cáo UBND TP.HCM để trình lên Thủ tướng, xin hướng dẫn cụ thể.

“Việc này cũng không làm ách tắc hồ sơ đất đai của người dân. Các cơ quan thụ lý hồ sơ thì phải giải quyết. Còn vấn đề thu tiền có nội dung mà UBND TP.HCM cần báo cáo Thủ tướng”, ông Thắng nói.

Liên quan đến bảng giá đất, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, khi có thông tin TP.HCM sắp ban hành bảng giá đất mới, người dân làm thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng đột biến. Tuy nhiên, nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của người dân nộp từ ngày 1/8 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực) đang bị “treo”, dù các cơ quan thuế quận, huyện và TP. Thủ Đức vẫn tiếp nhận hồ sơ.

Ông Hậu đặt vấn đề, nếu hiện nay người dân nộp hồ sơ đầy đủ thì khi nào mới được giải quyết?

Xin ý kiến Thủ tướng

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự kiến đầu tuần tới, UBND TP.HCM sẽ báo cáo HĐND TP.HCM để nghe góp ý trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy. Bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM phải phù hợp với quy định Luật Đất đai 2024 và phù hợp thực tiễn của địa phương.

“Vấn đề phát sinh là thực hiện nghĩa vụ tài chính sau ngày 1/8 sẽ áp dụng bảng giá đất nào. Đây là vướng mắc của cả các địa phương khác, không chỉ của TP.HCM. Đầu tuần tới, UBND TP.HCM sẽ ký văn bản báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để tháo gỡ”, ông Cường nói.

Theo dự thảo bảng giá đất mà TP.HCM vừa công bố, mức tăng cao nhất lên tới 51 lần.

Hồi cuối tháng 7, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đưa ra dự thảo bảng giá đất để điều chỉnh Quyết định số 02/2020-QĐ-UBND của UBND TP.HCM.

Theo dự thảo bảng giá đất này, 1 quận và 4 huyện có mức tăng giá đất tại một số vị trí đất trên 30 lần, cá biệt tại huyện Hóc Môn có mức tăng giá đến 51 lần.

Cụ thể, mức giá đất tại Quận 1 tăng 5 lần; Quận 3 tăng 4 - 9 lần; Quận 4 tăng 11 lần; Quận 5 và Quận 7 tăng 6 lần; Quận 6 tăng 5 - 11 lần; Quận 8 tăng 4 - 18 lần; Quận 10 tăng 5 - 6 lần; Quận 11 tăng 4 - 9 lần; Quận 12 tăng 3 - 33 lần; quận Bình Thạnh tăng 5 - 13 lần; quận Gò Vấp tăng 7 - 11 lần; quận Phú Nhuận tăng 7 - 8 lần; quận Tân Bình tăng 7 - 12 lần; quận Tân Phú tăng 7 - 17 lần; quận Bình Tân tăng 9 - 17 lần; TP. Thủ Đức tăng 6 - 35 lần; huyện Hóc Môn tăng 5 - 51 lần; huyện Củ Chi tăng 9 - 31 lần; huyện Bình Chánh tăng 2 - 36 lần; huyện Nhà Bè tăng 7 - 23 lần; huyện Cần Giờ tăng 8 - 23 lần.

Nguồn: tienphong.vn

Tin mới