Chiều 4/3, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 2, 2 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ tháng 3/2022.
Thu ngân sách tăng hơn 100% nhờ đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm
Báo cáo tình hình thu, chi nhân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm, có một số khoản thu đã đạt trên 25% dự toán và tăng hơn so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà báo cáo về công tác thu ngân sách trên địa bàn. (Ảnh: TTBC)
"Đặc biệt, khoản thu ngân sách khác ghi nhận 915,115 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ nhờ phát sinh khoản thu đặt cọc 658 tỷ đồng trong cuộc đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm", bà Hồng nói.
Bên cạnh đó, số thuế thu nhập cá nhân đạt 11.016 tỷ đồng, tăng 16,61% so với cùng kỳ nhờ thị trường bất động sản năm 2022 đang có dấu hiệu ấm dần, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư vốn, chứng khoán của nhà đầu tư sôi nổi, tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm.
Người dân tận dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP và nhu cầu sở hữu ô tô trước tết tăng cao, nên số thu lệ phí trước bạ cũng ghi nhận tăng 50,3% so với cùng kỳ, đạt 1.420 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số khoản thu phát sinh thu đột biến như: tiền sử dụng đất đạt 8.884 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỳ do các công ty thực hiện nộp tiền sử dụng đất 1 lần ngay từ đầu năm.
Đạt nhiều kết quả đáng kể trên nhiều lĩnh vực
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, với các biện pháp điều hành kinh tế và phòng, chống dịch hiệu quả, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trên các lĩnh vực.
Về dịch vụ - du lịch - ngân hàng: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 ước đạt khoảng 89.093 tỷ đồng, cao hơn 0,4% so với tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ. Số liệu 2 tháng đầu năm cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 177.803 tỷ đồng.
Hoạt động du lịch có tổng doanh thu trong tháng ước đạt 3.212 tỷ đồng, giảm 51,34% so với cùng kỳ. TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch.
Từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch bằng cả đường hàng không, đường bộ, đường biển. TP.HCM là một trong 7 địa phương được thí điểm đón khách du lịch quốc tế, mang đến nhiều hy vọng cho việc phục hồi du lịch TP.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: TTBC)
Hoạt động ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.169.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 0,81% so với cuối năm 2021; tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 2.934.300 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối tháng trước và tăng 3,54% so với cuối năm 2021.
Về lĩnh vực công nghiệp, TP xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục có xu hướng chuyển biến tích cực.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 ước giảm 2,4% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số trên tăng 2,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6%). Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tính chung 2 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ.
Cũng theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới. Dù vậy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố đạt được nhiều khởi sắc.
2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, lũy kế từ đầu năm đến nay TP.HCM đã giải quyết việc làm cho 54.950 lượt người (đạt 18,31% kế hoạch năm) và tạo ra 24.988 việc làm mới (đạt 17,85% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2021, số lao động được giải quyết việc làm trong tháng tăng 793 lượt người (tăng 0,26%); số chỗ việc làm mới tăng 208 chỗ (tăng 0,15%).
Ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) thực hiện là 88.044,567 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Bao gồm, thu nội địa đạt 25,75% dự toán, tăng 19,07% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15,88% dự toán, tăng 1,35% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 5.787,566 tỷ đồng, đạt 5,81% dự toán, giảm 39,62% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 11,82% dự toán, tăng 1,80% so với cùng kỳ.