Ngày 18/6, Sở Công Thương TPHCM cho biết, Sở sẽ tổ chức chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân thành phố, mời gọi doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng bổ trợ, góp phần thực hiện giải pháp phân phối hàng hóa thực phẩm thiết yếu bình ổn đến người tiêu dùng.
Hình minh hoạ.
Chương trình đã kích hoạt những doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ghép nối, bổ trợ trong các khâu thu mua, vận chuyển, lưu trữ và phân phối.
Với chuỗi cung ứng này, người dân thành phố sẽ được tiếp cận các kênh phân phối bình ổn với quy mô hơn 1.000 điểm bán bổ sung, trong đó có 1.000 điểm bán của Vinshop, 150 điểm bán của hệ thống Con Cưng, 67 điểm bán của Công ty Guardian Việt Nam, 300 điểm bán của Pharmacity, 36 điểm bán của Công ty Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín.
Các hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển, nhân lực của các công ty bưu chính trên địa bàn cũng được linh động phát huy để cùng tham gia hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm với Viettel Post, Vietnam Post, Công ty giao hàng nhanh GHN, Công ty giao hàng tiết kiệm GHTK, Công ty Supership Việt Nam, Proship, Koina, Công ty vận chuyển Nhất Tín, Công ty kho lạnh ABA, Công ty giải pháp chuỗi cung ứng One Mount.
Nhiều hệ thống cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng khác như hệ thống mỹ phẩm The Face Shop (Hoa Sen Viet Group), chuỗi nhà hàng Pizza4Ps, chuỗi Anh Văn Yola, Hoa Yêu Thương cũng được vận động tham gia chương trình, sẵn sàng chuyển đổi tạm thời công năng, sử dụng các kho sẵn có cùng tham gia cung cứng rau củ quả, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác phục vụ nhu cầu người dân qua các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Lazada... đẩy mạnh bán hàng rau củ quả trên các nền tảng này, giúp người dân thành phố tiếp cận được nhiều hơn kênh cung ứng, phân phối lương thực thực phẩm.
Tính đến ngày 15/7, 225 điểm bán hàng lưu động cũng đã được Sở Công Thương phối hợp các hệ thống phân phối, doanh nghiệp thương mại, logistics tổ chức trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 16/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo thành phố đã đi khảo sát một số chợ để mở các điểm tiếp nhận hàng hóa. Các chợ truyền thống sẽ được nghiên cứu, mở cửa chuyên kinh doanh lương thực - thực phẩm, nhu yếu phẩm trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Trong khi chờ các chợ truyền thống mở cửa bán rau, củ, thịt, cá trở lại, ngoài điểm mua sắm chính là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì vài ngày trở lại đây, nhiều người dân TP đang được trải nghiệm mua thực phẩm giá bình ổn thị trường tại các điểm bán hàng lưu động, bưu điện, thậm chí là nhà thuốc, cửa hàng chuyên doanh hàng hóa cho trẻ em... và mới đây nhất là các sàn thương mại điện tử lớn.
Sở Công thương TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi UBND huyện Hóc Môn, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn về việc bố trí địa điểm và chuẩn bị tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn.
Hiện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đang triển khai các bước chuẩn bị: Làm việc với các thương nhân, tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người làm việc tại địa điểm này để có thể đưa điểm trung chuyển tại chợ này đi vào hoạt động trong tối 18/7. Dự kiến, trong những ngày đầu hoạt động thí điểm sẽ có khoảng 120 tấn hàng hóa về trạm trung chuyển.
Trước đó, ngày 12/7, điểm trung chuyển hàng hóa đầu tiên của TP.HCM tại chợ đầu mối Thủ Đức đã đi vào hoạt động với sự tham gia đăng ký của 18 thương nhân. Ngoài 2 điểm trung chuyển này, TP.HCM cũng đang triển khai đưa vào hoạt động trở lại các chợ truyền thống đang tạm ngưng kinh doanh. Trước mắt, thành phố thí điểm cho phép mở cửa đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá để cung cấp thực phẩm hàng ngày cho người dân.