Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư - MAUR) cho biết, đơn vị tư vấn chung của dự án vừa chấm dứt hợp đồng vào tuần trước.
Theo MAUR, hôm 15/3, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của MAUR về việc mở lại đàm phán phụ lục hợp đồng số 13 với IC (đơn vị tư vấn chung của tuyến Metro số 2).
Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 23/3, IC nêu không thể thực hiện phụ lục hợp đồng số 13 này và có thư thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư MAUR một ngày sau đó (24/3).
Theo MAUR, việc ký hợp đồng số 13 và huy động IC được xem là phương án tối ưu, nhưng nếu không thành công phải thay thế tư vấn để không làm ảnh hưởng thêm tiến độ dự án.
Metro số 2 đi qua 6 quận của TP.HCM. (Đồ họa: Minh Hồng)
Năm 2012, MAUR ký hợp đồng tư vấn với IC cho dự án Metro số 2, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn A được thực hiện theo hình thức trọn gói, trị giá gần 13 triệu Euro để thiết kế và hỗ trợ đấu thầu các gói thầu chính; giai đoạn B trị giá hơn 31 triệu euro nhằm giám sát thi công.
Thời gian thực hiện giai đoạn A đến cuối năm 2015, nhưng dự án kéo dài dẫn đến phải ký 13 phụ lục hợp đồng, nâng tổng chi phí tư vấn tăng hơn 12,6 triệu euro so với ban đầu.
Như vậy, MAUR đã ký với IC 12 phụ lục hợp đồng. Đến hợp đồng số 13, việc đàm phán tiến hành từ cuối năm 2019 nhưng gặp nhiều trở ngại và đến tháng 3/2022 thì chấm dứt.
Ngoài ra, MAUR cho biết đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục bồi thường, đạt 99,67% (tương đương 584/586 trường hợp). Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 83,62% (tương đương 490/586 trường hợp).
Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích dự án cần thu hồi là hơn 251.000m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 dài hơn 11km, trong đó đi ngầm 9,2km, còn lại chạy trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot (nơi sửa chữa, bảo trì tàu). Toàn tuyến có 9 ga ngầm, một ga trên cao và một depot tại Tham Lương, quận 12.