Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TP.HCM: 9 lượt Chủ tịch UBND cấp huyện bị hạ mức đánh giá, xếp loại

Từ 2022 đến nay, có 9 lượt Chủ tịch UBND cấp huyện tại TP.HCM bị hạ mức đánh giá, xếp loại do chậm thực hiện xử lý phản hồi thông tin trên Cổng thông tin 1022.

Ngày 12/6, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM chủ trì buổi giám sát UBND TP.HCM về việc thực hiện chương trình cải cách hành chính (CCHC) về cải cách tổ chức bộ máy, chế độ công vụ giai đoạn 2022 - 2025.

Phát biểu mở đầu, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, buổi giám sát nhằm làm rõ những việc làm được trong công tác CCHC của UBND TP.HCM, các quận, huyện, sở ngành.

Đồng thời, xác định mục tiêu trong cải cách tổ chức bộ máy, chế độ công vụ trong thời gian tới gắn với nhiệm vụ thực hiện chính quyền đô thị, cũng như chuẩn bị thực hiện đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 với tinh thần xây dựng tổ chức bộ máy, nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Toàn cảnh buổi giám sát.

Báo cáo kết quả CCHC của UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết, hàng năm UBND TP.HCM đều ban hành kế hoạch CCHC.

Từ năm 2021 - 2023, UBND TP.HCM duy trì triển khai, thực hiện các tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm và quyết tâm thực hiện hiệu quả tuần, tháng thi đua “Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC ngay trong ngày”.

Công tác CCHC của TP.HCM đã đạt những kết quả nổi bật. Cụ thể, năm 2022, 2023, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của TPHCM có cải thiện về thứ hạng so với các năm trước. Điều đó đã phản ánh sự nỗ lực, quyết tâm của TP.HCM trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân của các cơ quan hành chính.

Tuy nhiên, kết quả trên chưa đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đề ra là đưa TP.HCM vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC. Năm 2024, UBND TP.HCM đã chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm cải thiện kết quả công tác cải cách hành chính, qua đó cải thiện kết quả đánh giá các chỉ số.

Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đến tháng 12/2023, TP.HCM còn 1.781 đơn vị, gồm 33 đơn vị cấp thành phố; 316 đơn vị thuộc khối sở, ngành; 1.432 đơn vị khối quận, huyện, TP Thủ Đức.

Trong đó, lĩnh vực y tế tổ chức lại 94 đầu mối còn 78 đầu mối (giảm 16 đầu mối); lĩnh vực KH-CN tổ chức lại 10 đơn vị xuống còn 9 đơn vị; lĩnh vực VH-TT có 32 đơn vị (đã giảm 3 đơn vị, đạt 8,57%). Lĩnh vực bảo trợ xã hội năm 2021 có 29 đơn vị (giảm 4 đơn vị so với thời điểm năm 2017), đến năm 2022, sáp nhập 1 đơn vị là Trung tâm Giảm nghèo đa chiều TP.HCM do không đảm bảo điều kiện số người làm việc.

Đến năm 2023, TP.HCM có gần 12,5% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, như vậy, về cơ bản TP.HCM đã đạt và vượt chỉ tiêu “có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị so với giai đoạn 2011-2015”.

Thời gian qua, việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện pháp luật và thực thi công vụ đã giúp đội ngũ thực hiện đúng và tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các quy định, quy chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính, việc thực thi công vụ tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm.

Năm 2022 có 11 cán bộ, 92 công chức và 85 viên chức bị xử lý kỷ luật; năm 2023 có 8 cán bộ, 84 công chức và 145 viên chức bị xử lý kỷ luật.

Từ năm 2022 đến nay, có 9 lượt Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền đánh giá của Chủ tịch UBND TP.HCM bị hạ mức đánh giá, xếp loại chất lượng hằng quý từ mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống hoàn thành tốt nhiệm vụ do chậm thực hiện xử lý phản hồi thông tin trên Cổng thông tin 1022.

Ngày 2/5/2024, UBND TP.HCM đã ban hành quy định đánh giá, xếp loại chất lượng theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM. Hiện các cơ quan, đơn vị đang tổ chức thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng quý 1/2024.

UBND TP.HCM đánh giá công tác cải cách chế độ công vụ, công chức trên địa bàn TP.HCM đã có những chuyển biến, cải thiện rõ rệt; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng cao. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu quả và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, số lượng đơn vị sự nghiệp của TP.HCM khá lớn nhưng thành phố chưa thể phân cấp cho các cơ quan cấp dưới thực hiện phê duyệt đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết, làm kéo dài thời gian phê duyệt đề án.

Trong thời gian chờ được phê duyệt đề án, các đơn vị không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết dẫn đến giảm nguồn thu của đơn vị sự nghiệp. Điều này tạo thêm áp lực cho ngân sách địa phương để đảm bảo hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp công lập và phục vụ nhu cầu của người dân, học sinh, sinh viên. Đặc biệt là việc tổ chức giữ xe, căn tin và các dịch vụ hỗ trợ khác có thu phí ở khu vực y tế, giáo dục.

Bên cạnh đó, hiện nay, biên chế sử dụng cao hơn so với biên chế được giao. Việc sắp xếp, sáp nhập tinh gọn bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập đạt tỷ lệ chưa cao, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Nguyên nhân là thực tế số lượng học sinh, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc y tế của người dân ở TP.HCM và khu vực lân cận hàng năm tăng rất nhiều.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin mới