(VTC News) – Hiện nay, ở nhiều ngành nghề, cử nhân thất nghiệp không có việc làm nhưng nhiều người tốt nghiệp trung cấp nghề thường tìm được ngay việc làm với mức thu nhập khá cao.
Tại hội thảo Giải pháp khủng hoảng thừa cử nhân do Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội) tổ chức ngày 29/4, những nhà tuyển dụng đã nêu ra thực tế hiện nay phải đau đầu tìm nhân sự trong khi số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội nêu thực tế hiện nay, lao động có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng khó tìm được việc như mong muốn, thậm chí khó xin việc.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội (Ảnh: Phạm Thịnh) |
“Có một thực tế là cử nhân có lương thấp hơn học viên có nghề”, bà Trinh nhấn mạnh.
Lý giải điều này, bà Trinh cho biết lao động tốt nghiệp THPT, nhân viên kỹ thuật sẽ được trả lương theo tay nghề nên có thu nhập tương đối cao.
“Một thợ hàn có tay nghề bình thường lương 6 triệu đồng/tháng, thợ hàn sử dụng công nghệ lành nghề có thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng”, bà Trinh lấy ví dụ.
Trong khi đó, sinh viên có bằng đại học, cao đẳng nếu vào nhà nước, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, hưởng lương bằng hệ số 2,34 nhân với mức tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng, năm đầu tiên chỉ được hưởng 85%.
Hiện nay, nhiều người tốt nghiệp trường nghề có thu nhập cao hơn cử nhân |
Nhiều cử nhân thường có tâm lý đòi hỏi lương cao hoặc mong muốn trở thành người quản lý khi còn thiếu kinh nghiệm. Chính vì vậy, tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng.
Năm 2015, 23.192 người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội đăng ký tìm tìm việc. 55% trong số đó là lao động có trình độ cao đẳng, đại học.
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của một số trường cao đẳng, đại học chưa tốt, sinh viên thiếu kỹ năng mềm, kém ngoại ngữ, làm việc nhóm yếu, trong khi yêu cầu của thị trường lao động biến đổi hàng ngày.
Bà Trinh cho biết, qua khảo sát, nhiều sinh viên năm đầu trả lời không biết vì sao chọn ngành, không ít sinh viên năm thứ hai, thứ ba nhận thấy sai lầm khi chọn nghề, phó mặc tâm lý học cho xong.
Bà Trinh cho rằng, biện pháp khắc phục cần sự phối hợp của các ngành giáo dục, lao động và doanh nghiệp. Trước tiên cần làm rõ về mặt tư vấn, khi nghĩ đến nghề mình muốn lựa chọn, đồng thời phải nghĩ đến khả năng bản thân, nhu cầu xã hội, sau đó là tính cách, sức khỏe và điều kiện gia đình; cũng như cần nâng cao chất lượng tuyển sinh, “thầy ra thầy, trò ra trò”.
Những nghề có nguy cơ thất nghiệp cao trong 5 năm tới
Cũng có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Tùng – ĐH Nguyễn Trãi nhìn nhận câu chuyện về khủng hoảng nhân sự đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Vì vậy, các trường đại học cần chuyển đổi mô hình đào tạo mang tính hàn lâm sang ứng dụng.
Vì vậy, qua hội thảo này, ông Tùng cũng mong muốn các doanh nghiệp đưa ra những yêu cầu cụ thể nhà trường có những thay đổi trong đào tạo để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng có những nhìn nhận chính xác hơn về thị trường việc làm.
Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu phó ĐH Nguyễn Trãi (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Để giải quyết tình trạng này, ông Trân Văn Vinh – Giám đốc khối đào tạo, Đại học Nguyễn Trãi cho biết, nhà trường sẽ gặp gỡ từng sinh viên để hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm, tích cách, sở thích, đam mê của các em.
Học sinh cũng sẽ trả lời phiếu 100 câu hỏi kết hợp phỏng vấn trực tiếp để tìm hiểu xem các em phù hợp vị trí, công việc nào trong tương lai.
Nhà trường cung cấp cho sinh viên 15 kỹ năng mềm, 7 kỹ năng nghề để hỗ trợ các em trong quá trình học và sau khi ra trường. Trong đó, nhiều sinh viên trong khóa học “Đánh thức người khổng lồ trong bạn” đã bật khóc ngay trong lớp, gọi điện về cho cha mẹ khi đã được thức tỉnh ra nhiều điều ý nghĩa.
Phạm Thịnh