“Chúng tôi không thấy bất kỳ mối đe dọa trực tiếp hoặc sắp xảy ra nào đối với bất kỳ đồng minh NATO nào”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Đồng thời, ông Stoltenberg nhấn mạnh, NATO vẫn “giám sát chặt chẽ những động thái từ Nga”, tăng cường “cảnh giác ở phần phía đông của liên minh” để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào vào các quốc gia đồng minh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: Getty)
Bình luận của Tổng thư ký Jens Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia, trong đó có Đức và các nước vùng Baltic, đã nêu mối lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga trong tương lai.
Truyền thông Đức trong những tuần gần đây cho hay, Berlin đang chuẩn bị một kịch bản trong đó Nga tiến hành “cuộc tấn công mở” vào NATO sớm nhất là vào mùa hè năm 2025 sau khi giành được chiến thắng lớn ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cảnh báo, Đức nên sẵn sàng đáp trả một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga mặc dù hiện tại không có mối đe dọa thực sự nào.
Những lo ngại tương tự cũng đã được các thành viên NATO khác nêu ra. Tuần trước, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đề nghị NATO cần có từ 3 đến 5 năm để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực tiếp có thể xảy ra với Nga.
Tuy nhiên, Nga bác mọi cáo buộc cho rằng Moskva có ý định tấn công bất kỳ thành viên NATO nào, gọi cáo buộc là “hoàn toàn vô nghĩa”. Tổng thống Vladimir Putin lập luận, Nga “không có lợi ích địa chính trị, kinh tế hay quân sự” khi làm như vậy.
Tại cuộc họp Hội đồng NATO - Ukraine ở Brussels mới đây, NATO tuyên bố viện trợ hàng tỷ euro về "sự hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn" cho Ukraine vào năm 2024.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 2 năm và dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Nhiều nước đang cân nhắc về việc tiếp tục bơm tiền, viện trợ quân sự để Kiev chống lại Moskva. Slovakia là một trong những nước thông báo ngừng viện trợ cho Ukraine.
Trước bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang rơi vào bế tắc, nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.
Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine đối đầu Nga. Moskva cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.