"Một người nào đó phải nhận lời thách đấu của Trung Quốc", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng khi tiếp Tổng thống Rumani Klaus Iohannis.
"Đây là một việc phải làm. Sự khác biệt duy nhất là tôi đang làm điều đó", ông Trump nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump cũng nói Bắc Kinh đã lừa dối Washington trong nhiều thập kỷ và lúc này ông chưa sẵn sàng đi đến một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
"Trung Quốc đã xâu xé đất nước này trong 25 năm, có thể còn lâu hơn thế và đã đến lúc hoặc điều này sẽ tốt cho đất nước chúng ta hay xấu cho đất nước chúng ta trong thời gian ngắn. Về lâu dài bắt buộc phải có ai đó làm điều này", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Những từ ngữ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ được đưa ra vài giờ sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố chấp thuận bán số máy bay chiến đấu F-16 Lockheed Martin trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan, một động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận và càng làm viễn cảnh thỏa thuận thương mại nhanh chóng trở nên xa vời.
Hôm 19/8, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng "chọc giận" Trung Quốc về một chủ đề nhạy cảm khác là Hong Kong, khi kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các luật lệ của Hong Kong trong việc đối phó với các cuộc biểu tình.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng hạ thấp những lo ngại rằng Mỹ đang hướng tới một cuộc suy thoái, đồng thời xác nhận chính quyền của ông đang xem xét cắt giảm thuế lương. Ông nói: "Tôi cho rằng từ suy thoái là không phù hợp. Chúng tôi còn rất xa với suy thoái".
Các kế hoạch thuế quan của ông Trump làm biến động thị trường toàn cầu. Các nhà đầu tư căng thẳng khi tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài đến năm thứ hai mà không có hồi kết.
Những lo ngại ngày càng gia tăng là cuộc chiến thương mại có thể gây ra suy thoái ở Mỹ, thể hiện rõ trên thị trường tài chính vào tuần trước và dường như đặt các quan chức chính quyền vào thách thức về việc liệu nền kinh tế có làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 hay không.
Đảng Dân chủ hôm 18/8 cho rằng chính sách thương mại của ông Trump đang đặt ra một rủi ro ngắn hạn, cấp tính.
Trong khi đó, liên quan đến Huawei, ngày 20/8, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, Washington không gửi đi các thông điệp trái chiều về tập đoàn này.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: "Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng có những thông điệp trái chiều. Mối đe dọa từ việc có các hệ thống viễn thông Trung Quốc trong các mạng lưới của Mỹ, hoặc trong mạng lưới trên khắp thế giới tạo ra nguy cơ lớn, một mối đe dọa an ninh quốc gia".
Ông Pompeo giải thích rằng, Chính phủ Mỹ quyết định gia hạn giấy phép tạm thời cho Huawei do hành động này không tạo ra một mối đe dọa an ninh quốc gia cho Mỹ. Theo ông, "có những yếu tố không liên quan tới an ninh quốc gia".
Hôm 19/8, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 46 công ty con của Huawei vào danh sách đen kinh tế, đồng thời xác nhận sẽ gia hạn giấy phép tạm thời cho phép Huawei và các thực thể không phải công ty con của Huawei được mua các thiết bị từ doanh nghiệp Mỹ trong thời gian 90 ngày.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói các quan chức Mỹ - Trung dự kiến nói chuyện qua điện thoại về các tranh chấp thương mại trong tuần tới tới 10 ngày, sau đó là một cuộc gặp trực tiếp.
Trong một diễn biến riêng biệt, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết nhập khẩu thép được trợ cấp từ Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp Mỹ, khiến Bộ Thương mại Mỹ áp dụng thuế đối với các sản phẩm đó. Bộ này kết luận rằng các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đã bán các giá đỡ và phụ tùng thép với giá thấp hơn giá trị hợp lý, với tổng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc của các sản phẩm này lên tới khoảng 200 triệu USD trong năm 2017.