Tổng thống Trump cho rằng, các nền tảng mạng xã hội “không được quyền kiểm soát, hạn chế ... bất kỳ hình thức giao tiếp nào giữa các công dân".
"Chúng tôi không thể để điều đó xảy ra. Đặc biệt là khi họ bắt đầu làm những việc không đúng đắn", ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Trump cho rằng, sắc lệnh này nhằm "duy trì quyền tự do ngôn luận và quyền của người dân Mỹ". Tuy nhiên, trước khi có hiệu lực, luật này được dự báo sẽ vấp phải sự phản đối chính trị mạnh mẽ và ông Trump thừa nhận nó có thể bị thách thức tại tòa án.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Theo đó, sắc lệnh này yêu cầu các cơ quan xây dựng quy tắc quản lý mạng xã hội một cách độc lập, trong đó Ủy ban Truyền thông Liên bang và Ủy ban Thương mại Liên bang nghiên cứu, xem xét để đưa ra các quy định mới đối với các công ty truyền thông xã hội.
Những người phản đối cho rằng mục đích của ông Trump là chế ngự các nền tảng truyền thông xã hội, họ ủng hộ các nỗ lực của các mạng xã hội nhằm kiểm soát, giảm việc đăng tải các thông tin sai lệch.
Hôm 26/5, mạng xã hội Twitter lần đầu tiên cảnh báo người dùng kiểm tra lại tính xác thực trong tin đăng của Tổng thống Donald Trump về bỏ phiếu qua thư.
Ông Trump sau đó đăng tải trên mạng xã hội Twitter lời đe dọa đóng cửa các nền tảng mạng xã hội, với cáo buộc các mạng xã hội đang tìm cách ngăn cản tiếng nói của những người theo đường lối bảo thủ.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích Twitter đã "dập tắt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận" và ông sẽ không để điều này xảy ra. Ông còn cáo buộc Twitter đang can thiệp bầu cử tổng thốn Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ từng nhiều lần cáo buộc các nền tảng mạng xã hội cố tình ngăn chặn những quan điểm bảo thủ. Tháng 7/2019, Trump chỉ trích Facebook, Google và Twitter "quá thiên vị" và "bịt miệng" những người ủng hộ ông.
Các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ, cùng với Bộ Tư pháp Mỹ đang cân nhắc sửa đổi luật miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho các trang mạng xã hội về nội dung người dùng đăng tải. Thay đổi như vậy có thể khiến các công ty công nghệ đối mặt nhiều vụ kiện hơn.