Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/3 cho biết, chủ nghĩa nhân đạo và lòng bao dung có tầm quan trọng đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố vào trung tâm hòa nhạc Crocus ở ngoại ô Moskva hôm 22/3 vừa qua. Bình luận của ông Putin được đưa ra khi các nhà lập pháp ở Moskva đang tranh luận về việc khôi phục án tử hình đối với các phần tử khủng bố.
Phát biểu tại buổi lễ vinh danh các nghệ sĩ và nhà giáo ở điện Kremlin, Tổng thống Nga đã đề cập đến vụ tấn công khủng bố ở Crocus khiến 139 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)
“Điều quan trọng đối với chúng ta bây giờ là giải quyết những gì đã xảy sau vụ tấn công khủng bố vào cuối tuần trước. Mọi hành động đều phải dựa trên chủ nghĩa nhân đạo và lòng bao dung. Chúng ta nên đoàn kết để hỗ trợ các nạn nhân và điều này sẽ giúp nước Nga luôn mạnh mẽ", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga nói thêm rằng các nghệ sĩ và nhà giáo có vai trò đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn, bằng cách truyền thông điệp tích cực đến công chúng và định hình tương lai của đất nước.
Nhận xét của Putin được nhiều người hiểu là tín hiệu để các nhà lập pháp và công chúng giảm bớt lời kêu gọi thi hành án tử hình đối với các nghi phạm bị bắt khi cố gắng trốn sang Ukraine sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Crocus.
Phó Chủ tịch Duma Nga Sergey Mironov trước đó đã đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc khôi phục hình phạt tử hình. Ông cũng kêu gọi áp dụng chế độ thị thực đối với các nước Trung Á vì hầu hết những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố đều đến từ Tajikistan. Ông Mironov hiện là lãnh đạo đảng “Một nước Nga công bằng - Vì sự thật”, có 28 ghế trong cơ quan lập pháp gồm 450 thành viên.
Đề xuất hình phạt tử hình của ông Mironov cũng được lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) Leonid Slutsky ủng hộ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin đã bác bỏ ý tưởng trưng cầu dân ý, cho rằng việc khôi phục án tử hình là một vấn đề đơn giản đối với Tòa án Hiến pháp.
Ông Volodin cho biết: “Trong Hiến pháp của Nga và luật hình sự, án tử hình vẫn chưa bị bãi bỏ. Tòa án Hiến pháp chỉ hoãn việc áp dụng án tử hình cho các tội phạm đặc biệt do đó chúng ta không cần trưng cầu dân ý” .
Tòa án Hiến pháp Nga đã đình chỉ án tử hình vào năm 1999, cho rằng sẽ không công bằng nếu không có bồi thẩm đoàn xét xử và không phải vùng nào trong nước cũng có án tử hình. Một đại biểu của đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, ông Mikhail Sheremet tuyên bố sẽ kiến nghị lên tòa án một lần nữa về vấn đề này.
Thẩm phán Valery Zorkin, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Nga cho biết, quyền sống được hiến pháp đảm bảo có nghĩa là “quyền không bị kết án tử hình”, vì vậy việc khôi phục hình phạt tử hình sẽ đòi hỏi phải thay đổi chính hiến pháp.