Ông Duterte nói tuyên bố của mình không phải là một lời cảnh báo mà là một lời khuyên với Bắc Kinh. Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Philippines gọi sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ là bất hợp pháp.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AP)
“Tôi không nài ép hay cầu xin, tôi chỉ nói Trung Quốc rời đảo Pagasa vì chúng tôi có binh lính ở đây. Nếu Trung Quốc xâm phạm hòn đảo thì sẽ là một câu chuyện khác. Tôi sẽ ra lệnh cho quân đội 'chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ cảm tử' trong trường hợp đó", – ông Duterte nói trong bài phát biểu. Pagasa là cách người Philippines sử dụng để gọi đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tổng thống Duterte, người thúc đẩy mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi năm 2016, từng nhiều lần nói rằng ông sẽ không gây chiến với Bắc Kinh bởi điều này chẳng khác gì "tự sát". Tuy nhiên, Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, cho biết Manila đã trao công hàm phản đối tới Bắc Kinh về sự hiện diện của các tàu gần đảo Thị Tứ.
Thời gian gần đây, Quân đội Philippines thường xuyên cáo buộc sự hiện diện của một lượng lớn tàu, thuyền Trung Quốc gần khu vực đảo Thị Tứ, động thái khiến Manila đặt câu hỏi về ý định của Trung Quốc và ra công hàm phản đối.
Các tàu Trung Quốc di chuyển dày đặc gần đảo Thị Tứ hồi tháng 12/2018. (Ảnh: AMTI)
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, không nhắc trực tiếp đến sự phản đối của Manila mà cho biết đàm phán song phương về Biển Đông được tổ chức ở Philippines ngày 3/4 đã diễn ra trên tinh thần “thẳng thắn, thân thiện và xây dựng”. Cả hai bên tái khẳng định các vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bằng biện pháp đối thoại giữa các bên trực tiếp liên quan, ông này nói.
Thị Tứ là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa về diện tích tự nhiên. Trung Quốc và Philippines nhiều năm qua tranh chấp và đòi tuyên bố chủ quyền với hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện Philippines đang chiếm đóng trái phép hòn đảo này.
Liên quan tới việc các nước trong khu vực tranh chấp và chiếm đóng trái phép các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với các đảo trong quần đảo Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi xâm chiếm trái phép và vi phạm luật pháp quốc tế.