Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tổng thống Lukashenko và mối quan hệ phức tạp với phương Tây

(VTC News) -

Tổng thống Belarus đang bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì “ép buộc” một chuyến bay thương mại phải hạ cánh để bắt giữ nhà báo đối lập quan điểm với ông.

Theo cơ quan báo chí sân bay quốc gia Minsk, chuyến bay của Ryanair (Ireland) trên đường từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius (Litva) đã phải hạ cánh khẩn cấp ở Minsk (Belarus), vì bị đe dọa đánh bom. Lời đe dọa sau đó được xác nhận là giả. Một máy bay chiến đấu đã được triển khai để "hộ tống" chuyến bay.

Có thông tin sau đó cho biết nhà báo Roman Protasevich, người sáng lập kênh Telegram mà Minsk chỉ định là cực đoan, đã bị bắt giữ khi dừng chân tại sân bay. Anh ta có thể phải đối mặt với án 15 năm tù.

Một máy bay Ryanair. (Ảnh minh họa)

Một ủy ban điều tra vụ máy bay Ryanair hạ cánh khẩn cấp ở Minsk đã được thành lập ở Belarus. Theo cục hàng không bộ giao thông vận tải Belarus, chi tiết vụ việc sẽ được công khai trong thời gian tới.

Vụ việc xảy ra với chuyến bay của Ryanair bị một số nhà lãnh đạo châu Âu gọi là vụ “cướp máy bay được nhà nước hỗ trợ”, thậm chí là “chủ nghĩa khủng bố”. Nhiều lo ngại đặt ra rằng các chuyến bay bay qua không phận của nước này có thể trở nên thiếu an toàn đối với các nhà hoạt động và nhà báo.

Báo Mỹ Washington Post bình luận đây là nỗ lực mới nhất của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong việc đẩy lùi những quan điểm bất đồng.

Trước đó, Alexander Lukashenko vốn là một nhân vật “tai tiếng” trong mắt các nước châu Âu.

Alexander Lukashenko

Alexander Lukashenko, 66 tuổi, từng giữ các vị trí trong quân đội, cũng như tổ chức thanh niên và đảng của Liên Xô, khi Belarus là một phần của Liên Xô. Ông được bầu vào quốc hội Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Belorussia năm 1990, và là đại diện duy nhất phản đối thỏa thuận dẫn đến sự tan rã của Liên Xô.

Ông trở thành tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Belarus năm 1994. Theo trang web chính thức, ông được mô tả là “chính trị gia của nhân dân” và “tổng thống của dân thường”. Nhưng đối với phương Tây, 3 thập kỷ lãnh đạo của ông đầy rẫy những cuộc bầu cử bất thường, cáo buộc vi phạm nhân quyền và các động thái củng cố quyền lực.

Năm 1996, Lukashenko thuyết phục cử tri thông qua các sửa đổi hiến pháp mà nhờ đó có thể mở rộng thẩm quyền của tổng thống. Khi các nước phương Tây chỉ trích động thái này, ông trục xuất các đại sứ Mỹ và liên minh châu Âu.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: AP)

Cuộc bầu cử năm 2020

Lukashenko còn được cho là có chủ trương cứng rắn trước những ý kiến bất đồng.

Các cuộc bầu cử mà ông giành chiến thắng đều bị cáo buộc có sự can thiệp. Một số cuộc biểu tình nhỏ chỉ diễn ra ở Minsk sau đó đều đã bị đẩy lùi, theo Bloomberg News.

Nhưng cuộc bầu cử năm 2020 đã làm "rung chuyển" Belarus. Dù Lukashenko tìm cách ngăn các đối thủ trước cuộc bỏ phiếu vào tháng 8, nhưng lãnh đạo phe đối lập Svetlana Tikhanovskaya, người thu hút đám đông lớn tại các cuộc vận động tranh cử, đã được phép tranh cử.

Lukashenko tuyên bố ông giành được nhiệm kỳ thứ sáu với 80% phiếu bầu. Kết quả này bị nhiều nhà lãnh đạo phương Tây bác bỏ là gian lận. Dù vậy, Tổng thống Belarus khẳng định rằng không có luật nào bị vi phạm trong cuộc bầu cử. Tikhanovskaya rời khỏi đất nước và hàng chục nghìn người Belarus sau đó phản đối kết quả.

Biểu tình ở Belarus. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc biểu tình càng trở nên mạnh mẽ hơn trước một nền kinh tế đang gặp khó khăn và đại dịch COVID-19, khi nhiều nhà phê bình chỉ trích cách xử lý của Lukashenko. Đây là thời điểm được xem là đánh dấu mối đe dọa đáng kể nhất đối với việc nắm giữ quyền lực của ông kể từ khi nhậm chức.

"Mọi người đang nói về các cuộc bầu cử không công bằng và muốn có các cuộc bầu cử công bằng?" - ông hỏi các công nhân tại nhà máy máy kéo Minsk hồi tháng 8/2020. Họ hét lên "đúng" để đáp lại. “Tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn. Chúng ta đã tổ chức bầu cử rồi. Cho đến khi bạn giết tôi, sẽ không có cuộc bầu cử nào nữa”.

Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tiếp tục diễn ra trong suốt mùa thu. Cảnh sát bắt giữ hơn 25.000 người vào giữa tháng 11, tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết, và hơn 100 nhân vật đối lập đã bị bỏ tù. Vào tháng 11, Belarus đã đặt Roman Protasevich, nhà báo bị bắt từ chuyến bay Ryanair, vào danh sách theo dõi khủng bố, cáo buộc anh ta 3 tội danh liên quan đến biểu tình.

Chính phủ của Lukashenko cũng được cho là liên tục chống lại các nhà báo, từng bỏ tù một nhà báo tự do làm việc với đài truyền hình quốc tế Đức Deutsche Welle và chặn trang web tin tức độc lập Tut.by trong tháng này.

Phương Tây trừng phạt

Các nước phương Tây đã trừng phạt chính phủ của Lukashenko ở nhiều thời điểm khác nhau kể từ khi ông nhậm chức. Trong khi đó, Lukashenko thường chỉ trích phương Tây can thiệp vào các vấn đề nội bộ.

Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và trừng phạt tài chính đối với các cá nhân và thực thể thuộc sở hữu Belarus sau cuộc bầu cử năm 2006, mà Mỹ chỉ trích là "không tự do và không công bằng". Các lệnh trừng phạt được thắt chặt vào năm 2008 và Belarus trả đũa bằng cách trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Mỹ. Mối quan hệ giữa Belarus và các nước phương Tây bớt căng thẳng hơn trong năm 2015 và 2016, khi đó Mỹ và Belarus thông báo sẽ trao đổi lại đại sứ.

Nhưng sau cuộc bầu cử năm 2020 và các cuộc biểu tình tiếp theo ở Belarus, Mỹ áp đặt một đợt trừng phạt mới. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Biden chặn các giao dịch với 9 công ty hóa dầu và dầu mỏ lớn của Belarus, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với 109 quan chức.

Châu Âu, cũng không công nhận kết quả bầu cử năm 2020, đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức Belarus, bao gồm cả Lukashenko, vào mùa thu cùng năm.

Các nhà lãnh đạo châu Âu phẫn nộ trước việc chuyến bay Ryanair bị hạ cánh và Protasevich bị bắt. Hôm 24/5, họ đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus và cấm các hãng hàng không của Liên minh châu Âu bay qua không phận Belarus. Latvia, Litva, Ukraine và Anh điều chỉnh lại các chuyến bay quanh Belarus.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki gọi việc Lukashenko hạ cánh máy bay là một "hành vi trơ trẽn đối với hòa bình quốc tế" và cho biết chính quyền Biden đã yêu cầu một cuộc điều tra.

Phương Anh

Tin mới