31 lần lập kỷ lục
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục diễn biến tích cực chưa từng có trong bối cảnh thế giới và chính nước Mỹ bất ổn vì đại dịch COVID-19. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận phiên phá kỷ lục thứ 31 kể từ đầu năm nay và trong phiên rạng sáng 6/8 (giờ Việt Nam) có lúc vượt ngưỡng 11.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.
Như vậy, chỉ số Nasdaq Composite đã có 6 phiên tăng liên tiếp vừa qua, trong đó có 3 phiên gần nhất lập kỷ lục liên tục.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Chỉ số tầm rộng S&P 500 có diễn biến tương tự và chỉ còn cách đỉnh kỷ lục thiết lập hôm 19/2 khoảng 2% sau khi chỉ số này tăng hơn 50% kể từ đáy ghi nhận hôm 23/3.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite 31 lần lập kỷ lục kể từ đầu năm 2020.
Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tích cực trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng vào một gói hỗ trợ kinh tế mới mà Nhà Trắng đang làm việc với quốc hội với nhiều tín hiệu cho thấy một thỏa thuận tốt đẹp sẽ được thông qua vào cuối tuần cho dù 2 đảng của Mỹ còn mâu thuẫn về một số vấn đề.
Những thông tin về kết quả kinh doanh ấn tượng của nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ cùng với số liệu tích cực bất ngờ của lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế số 1 thế giới cũng đã hút dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán.
Trái ngược với dự đoán u ám về những khoản thua lỗ khổng lồ, Disney vừa công bố lãi từ 100 triệu thuê bao trả phí trên các dịch vụ phát trực tuyến như Disney+, Hulu và ESPN+. Cổ phiếu Disney đã có một phiên tăng vọt 8,8%.
Nhóm cổ phiếu hàng không trong khi đó cũng tăng dữ dội. Cổ phiếu American Airlines tăng vọt 9,5%, United Airlines tăng 4,5%... sau khi Đảng Cộng hòa ở Thượng viện cho biết sẽ hỗ trợ thêm 25 tỷ USD viện trợ liên bang cho ngành công nghiệp này.
Cổ phiếu Novavax tăng vọt hơn 10% sau khi công ty này báo cáo kết quả thử nghiệm vaccine giai đoạn 1 cho thấy phản ứng miễn dịch tích cực ở các bệnh nhân COVID-19. Johnson & Johnson tăng điểm mạnh sau khi doanh nghiệp này đạt được thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Chính phủ Mỹ để sản xuất 100 triệu liều vaccine COVID-19 nếu thử nghiệm thành công.
Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng hơn 50% kể từ đáy 23/3.
Theo MarketWatch, Fed mới chỉ sử dụng một phần trong các chương trình cho vay khẩn cấp trị giá khoảng 2.000 tỷ USD nhằm tạo thanh khoản cho thị trường. Nó cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ còn nhiều dư địa để đảm bảo thanh khoản cho các hệ thống.
Đó là chưa tính đến các nguồn lực khác. Trong cuộc họp gần nhất, Fed cũng đã cam kết sẽ duy trì chương trình mua trái phiếu kho bạc không giới hạn, trong khi Bộ Tài chính Mỹ đang chuẩn bị một đợt bán trái phiếu và giấy tờ có giá lớn chưa từng có trong tuần sau để tài trợ cho các hoạt động chống lại ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19,
Donald Trump đối mặt rủi ro
Theo kế hoạch, ngày 7/8 (rạng sáng 8/8 giờ Việt Nam) là hạn chót cho cuộc thương lượng giữa Nhà Trắng với quốc hội về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo. Nhiều khả năng gói tiền trị giá cả nghìn tỷ USD sẽ được thông qua.
Dòng tiền ngày càng nhiều cho thấy chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ có thêm những phiên bứt phá. Tuy nhiên, rủi ro đối với hệ thống tài chính Mỹ về dài hạn là không nhỏ, còn đối với ông Donald Trump, một cú sốc có thể xảy ra ngay trước thềm cuộc bầu cử diễn ra trong khoảng hơn 3 tháng nữa.
Những tín hiệu gần đây cho thấy, nền kinh tế Mỹ sẽ khó có thể sớm hồi phục, tăng trở lại theo hình chữ V như kỳ vọng của nhiều chuyên gia trước đó.
Nước Mỹ hiện vẫn chìm trong “cơn bão” COVID-19. Số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 và chết vì đại dịch này không ngừng tăng. Số người nhiễm trên toàn cầu đã lên gần 19 triệu người, trong đó trên 700 nghìn ca tử vong.
Báo cáo việc làm ADP hôm 5/8 cho thấy, khu vực tư nhân Mỹ chỉ tạo ra thêm 167.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn rất nhiều so với dự báo 1 triệu việc làm của Dow Jones.
Ông Donald Trump đối mặt với rủi ro chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trước thềm bầu cử sau khi liên tiếp lập kỷ lục thời gian gần đây.
Sự bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 khiến triển vọng kinh tế Mỹ trở nên u ám. Đà tăng kéo dài của phố Wall cùng với những kỷ lục cao mới của chỉ số Nasdaq tiềm ẩn một cú sụt giảm, mà theo một số dự báo có thể lên tới 30%. Đây là rủi ro không nhỏ nếu xảy ra ngay trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump sẽ gặp những bất lợi lớn sau cú sốc đại dịch COVID-19.
Ở vào thời điểm hiện tại, các cuộc điều tra cho thấy ứng cử viên Joe Biden đang bỏ xa đương kim tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông Trump có lợi thế với hàng loạt các chính sách đã đưa nền kinh tế Mỹ thăng hoa trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid. Những nỗ lực của chính quyền ông Trump và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang giúp chứng khoán Mỹ tăng ấn tượng, hệ thống tài chính khá ổn định.
Chiến dịch tấn công Trung Quốc trên nhiều mặt trận, từ thương mại, công nghệ cho đến tiền tệ và thị trường vốn… cũng giúp nền kinh tế Mỹ lấy lại phần nào lợi thế đã mất trong cả thập kỷ qua.
Ông Trump nhiều lần bày tỏ niềm tin vào những cử tri vốn im lặng, ít bày tỏ chính kiến trước cuộc bầu cử. Đây là thành phần chiếm đa số các cử tri Mỹ. Dù vậy, mọi sự có thể thay đổi nếu chứng khoán Mỹ bị đẩy xuống sâu ngay trước thềm bầu cử, hoặc/và Trung Quốc có những đòn tấn công trả đũa Nhà Trắng gây thiệt hại tới nền kinh tế Mỹ.
Những diễn biến sắp tới trên thị trường tài chính Mỹ nói riêng và kinh tế Mỹ nói chung sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách tiền tệ của Fed, những nỗ lực thuyết phục quốc hội Mỹ của Bộ Tài chính Mỹ cũng như kết quả cuộc chiến với Trung Quốc.
Chính quyền ông Trump gần đây phát đi tín hiệu cho thấy họ sẽ mạnh tay với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Tổng thống Donald Trump sẽ sớm hành động nhằm vào các công ty phần mềm của Trung Quốc. Trước đó, Washington ra tối hậu thư cho TikTok phải ngừng hoạt động tại Mỹ hoặc bán mảng hoạt động tại nước này cho một công ty của Mỹ như Microsoft. Huawei, ZTE cũng là các doanh nghiệp chịu sự trừng phạt của chính quyền ông Trump.
Không chỉ kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế bổ sung và lợi nhuận tích cực từ nhiều doanh nghiệp lớn, chứng khoán Mỹ tăng còn nhờ một Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) “hào phóng”.