Tại phiên chất vấn sáng 5/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu, thực tế so sánh với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thu hồi sau thanh tra của năm nay tăng 17,9%, tuy nhiên kết quả thu hồi chỉ đạt 60,3%, qua đó cho thấy kết quả xử lý sau thanh tra vẫn còn những bất cập, hạn chế.
Thực tế qua giám sát cho thấy vẫn còn một số kết luận thanh tra chậm được ban hành, có cuộc thanh tra trên 5 năm vẫn chưa có quyết định. Một số nội dung trong kết luận thanh tra, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng chưa bám sát thực tiễn, tính pháp lý chưa đầy đủ và thuyết phục chưa đảm bảo tính khả thi dẫn đến thời hạn thực hiện kéo dài, khó dứt điểm.
Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ tình trạng nêu trên?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong thừa nhận có tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. "Nhiều vụ việc kiểm tra từ nhiều năm trước mà đến nay vẫn không đưa ra được kết luận, trong đó có cả Thanh tra Chính phủ cũng gặp phải", ông thẳng thắn.
Tổng Thanh tra chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Thứ nhất, do các cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành có quy mô, phạm vi lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, phạm vi lớn, ảnh hưởng đến kinh tế và con người.
Thứ hai, một số quy định còn bất cập: quy định về thời gian báo cáo, mối quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan nhà nước liên quan đến chuyên môn...
Thứ ba, lực lượng thanh tra mỏng, trong khi khối lượng công việc quá nhiều dẫn đến nhiều kết luận bị chậm.
Thứ tư, ý thức trách nhiệm, năng lực của một số nhân viên thanh tra còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến tiến độ đưa ra kết luận.
Tổng Thanh tra cũng cho biết: "Hoạt động thanh tra còn gặp khó khăn khi cán bộ ít. Thời gian qua, ngành đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ".
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, thống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm từ 2012-2022, Thanh tra đã triển khai đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
Cụ thể đã kiến nghị thu hồi số tiền hơn 461.000 tỉ đồng; 750.000ha đất; kiến nghị xử lý hơn 44.000 tập thể cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hơn 1.100 vụ và hơn 1.100 người.
Ngoài thanh tra theo kế hoạch, thanh tra được giao nhiều việc thanh tra đột xuất, như năm 2022 sẽ thanh tra mua sắm thiết bị và phòng chống COVID-19, thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thanh tra quy hoạch và thực hiện quy hoạch điện VII, thanh tra kinh doanh xăng dầu...
Ông nói thêm việc thanh tra chỉ có 408 cán bộ, công chức và số lượng trực tiếp làm công tác thanh tra chỉ là hơn 200 người thì rất khó khăn trong hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ.