Tại Tọa đàm “Bình Định kích hoạt du lịch Xanh: Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn” diễn ra sáng 13/11, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, trong bối cảnh cả nước đang triển khai Nghị quyết 128 của chính phủ - thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, ngành du lịch đang tích cực triển khai mở cửa du lịch nội địa, mở cửa đón khách quốc tế ở một số địa phương, tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch đón khách quốc tế trở lại.
Tháng 10/2021, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp trực tuyến với 25 địa phương trọng điểm về du lịch bàn về tái khởi động hoạt động du lịch; họp trực tuyến với Bộ Ngoại giao và các đại sứ, lãnh đạo của 15 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch tới khách quốc tế trọng điểm.
Cũng trong tháng 10, Tổng cục Du lịch làm việc với các hãng hàng không, lữ hành hàng đầu Việt Nam nhằm bàn giải pháp kết nối, khai thác thị trường, chuẩn bị từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế.
Việt Nam sẽ mở rộng đón khách du lịch quốc tế từ đầu năm 2022.
Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 và 2022 là du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, đồng thời mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên.
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị thật tốt để mở cửa du lịch quốc tế theo lộ trình, tiến tới phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Khánh cho biết thêm, đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch đã tham mưu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Phạm vi áp dụng sẽ được mở rộng vào đầu năm 2022, các địa phương chủ động đề xuất và đáp ứng điều kiện sẽ được xem xét cho phép đón khách du lịch quốc tế.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu ra một thực tế, ở Việt Nam chỗ nào cũng có tài nguyên du lịch nhưng tài nguyên phải kết hợp với quyết tâm của lãnh đạo địa phương thì mới phát triển thành khu vực du lịch được.
Cụ thể, ông Bình cho rằng, nhận thức về phát triển du lịch ở cách địa phương không đồng đều, nhận thức về COVID-19, tác hại của COVID-19 cũng không đồng đều, dẫn đến chính sách của các địa phương khác nhau.
Chính phủ giao quyền lực cho địa phương rất lớn. Điều này phát huy sức mạnh chủ động cho địa phương nhưng cũng làm quy định cho địa phương không đồng đều, làm khó khăn cho khôi phục du lịch.
Theo ông sau 2 năm, COVID-19 tồn tại trong xã hội, không thể xóa được, chúng ta phải sống chung.
Có hai vấn đề đặt ra, một là phải luôn phòng chống, không tránh được, trong đó tiêm vaccine là yếu tố quan trọng bậc nhất. Hai là phải song song phát triển kinh tế và du lịch an toàn nhất.
“Những doanh nghiệp du lịch hiểu điều này nhất, phải thực hiện an toàn cho nhân viên, khách hàng. Chúng ta phải tin tưởng vào doanh nghiệp, đơn vị nào an toàn cho hoạt động ngay”, ông nói.
Nêu thực tế trong địa phương địa bàn rộng, có chỗ bị, có chỗ không bị COVID-19, ông Bình cho rằng, sáng kiến chia vùng vanh, vàng, đường xanh, đường vàng rất quan trọng. Doanh nghiệp đi trên đường xanh, vùng xanh, nên rất an toàn.
Tuy nhiên nhiều địa phương ngại suy nghĩ, khiến đóng cửa hoàn toàn với du lịch. Doanh nghiệp cũng cần xác định vùng xanh, vùng vàng, công bố công khai. Khi đó, doanh nghiệp có toàn quyền đi lại.
“Đối với chúng tôi, một ngày yên bình là du lịch phải khởi động ngay lập tức. Chúng tôi không thể chờ đợi. Ngành du lịch phải tận dụng ở mức cao nhất có thể”, ông nói.
Theo ông Bình, điều quan trọng nhất bây giờ là thay đổi nhận thức, không sợ COVID mà phải thích ứng để phát triển.