Sáng 11/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về tình hình phòng chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các Bộ ngành liên quan.
Sau khi nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ý kiến của các cơ quan liên quan, thay mặt Bộ Chính trị kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ động chỉ đạo sát sao, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, tích cực để ngăn chặn dịch bệnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp.
Tổng Bí thư đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là lực lượng y, bác sỹ, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch đã có nhiều quyết định, việc làm sáng tạo, hiệu quả, kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh, duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội, bảo đảm cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp.
Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, Tổng Bí thư yêu cầu, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các Bộ ngành địa phương tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương đang có tốc độ lây lan nhanh, xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Toàn cảnh cuộc họp.
Tổng Bí thư nêu rõ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thoả mãn với những kết quả bước đầu đạt được, tiếp tục chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. Ban Cán sự Đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh việc mua và tiêm vaccine, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất tại các Khu công nghiệp, đồng thời tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hoạt đông nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước, đặc biệt cần xem xét và sớm tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý liên quan đến việc lựa chọn, mua vaccine, khuyến khích xã hội hoá, thu hút mọi nguồn lực thông qua “Quỹ vaccine”, xem xét cho phép các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia vào lĩnh vực mua cung cấp vaccine ngừa COVID-19.