Đây là một trong những trường Đại học lâu đời và danh tiếng nhất thế giới. Tại đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu chính sách về “Tầm nhìn về kỷ nguyên mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ireland, vì hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Trinity Dublin
Cùng dự có Ông Patrick O’Donovan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học và Sau đại học, Nghiên cứu, Đổi mới và Khoa học Ireland; Bà Orla Sheils, Phó Hiệu trưởng Đại học Trinity Dublin và ông Martin Murray, Giám đốc điều hành của Tổ chức Asia Matters.
Trường Đại học Trinity Dublin là một trong những cơ sở giáo dục đại học lâu đời và danh tiếng nhất ở Ireland. Được thành lập vào năm 1592 bởi Nữ hoàng Elizabeth I, Đại học Trinity Dublin nằm ở trung tâm thủ đô Dublin và được coi là trường đại học hàng đầu của Ireland, cũng như một trong những trường đại học uy tín nhất châu Âu...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Trinity Dublin, Ireland
Đại học Trinity Dublin là một trung tâm giáo dục hàng đầu, cung cấp một loạt các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong nhiều lĩnh vực từ nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, y khoa đến luật. Trường nổi tiếng với chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, với nhiều khoa và viện nghiên cứu được công nhận trên toàn thế giới. Nơi đây đã đào tạo ra những nhân tài vĩ đại, trong đó có Ngài Douglas Hyde - Tổng thống đầu tiên của Ireland; Bà Mary Robinson - nữ Tổng thống đầu tiên của Ireland, và đại văn hào Oscar Wilde.
Phát biểu tại Trường Đại học Trinity Dublin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng đến thăm một trong những trường Đại học lâu đời và danh tiếng nhất thế giới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ và Nhân dân Ireland. Đồng thời cảm ơn Ban Lãnh đạo Đại học Trinity Dublin và Tổ chức Asia Matters đã tổ chức cuộc gặp gỡ rất có ý nghĩa ngày hôm nay.
Nhắc lại chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2016, Tổng thống Ireland Michael Higgins từng chia sẻ rằng, Việt Nam -Ireland có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, Hai dân tộc đều trải qua nhiều hi sinh mất mát to lớn trên hành trình đấu tranh kiên cường, bất khuất vì tự do, độc lập dân tộc. Đồng thời hai nước đều đề cao truyền thống hiếu học, sự hòa hiếu và mến khách, giá trị của gia đình và tình đoàn kết. Bởi thế, trong quan hệ với các đối tác và bạn bè quốc tế, hai nước luôn tìm kiếm sự hòa hợp, thúc đẩy các điểm đồng và giảm thiểu những khác biệt, đề cao hợp tác đa phương và tinh thần đoàn kết quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, sau gần 3 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ireland ngày càng phát triển tích cực. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Ireland, một thành viên năng động của EU, một quốc gia tiên phong về đổi mới sáng tạo và cội nguồn của giới tinh hoa trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm trường Đại học Trường Đại học Trinity Dublin.
Chia sẻ về câu chuyện phát triển của Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, trong gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ một đất nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá và bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế mở, năng động, một điểm sáng về tăng trưởng. Sau gần 4 thập kỷ phát triển (kể từ 1986), quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng 96 lần.
Mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết và triển khai với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và về quy mô thương mại. Là thành viên của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực đóng góp vào việc hiện thực hóa Tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết: “Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, hòa bình là nền tảng để phát triển. Do đó, kế thừa truyền thống của dân tộc về yêu chuộng hòa bình, “hòa hiếu”, “lấy chí nhân thay cường bạo”, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam ủng hộ việc tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm thư viện trường Đại học Trường Đại học Trinity Dublin
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại. Trong đó, châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương là hai khu vực chịu nhiều tác động sâu sắc nhất. Từ nay đến năm 2030, và nhìn xa hơn là đến năm 2045, là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, những chuyển biến có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới cho tất cả các quốc gia, nhưng cùng với đó là nhiều thách thức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, để tận dụng tối đa thời cơ chiến lược, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội, và xây dựng tương lai thịnh vượng cho cả hai nước, hai nước cần chủ động kiến tạo không gian phát triển mới vì lợi ích và thịnh vượng của nhân dân hai nước; Đồng thời tạo đột phá trong việc nâng cao tính tự chủ, tự lực, tự cường và khả năng thích ứng trước các thách thức toàn cầu mới và nâng tầm; chủ động mở rộng đóng góp của Việt Nam và Ireland cho các vấn đề hòa bình, hợp tác và phát triển quốc tế.
Tổng Bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: “Cùng là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam và Ireland cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; đề cao vai trò của Liên hợp quốc; chủ động khởi xướng các ý tưởng hợp tác mới, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của nhân loại.
Đặc biệt, cần đóng góp tích cực hơn vào việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển và đại dương, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng cần tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư; tham gia xây dựng, định hình các luật chơi mới, khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế mới, công bằng, minh bạch và bình đẳng hơn”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng được biết, Trường Đại học Trinity Dublin đang triển khai nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam. Hàng trăm giảng viên, sinh viên Việt Nam đã và đang được tiếp cận với nền giáo dục và nghiên cứu chất lượng đẳng cấp quốc tế của trường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong rằng, các chương trình hợp tác này sẽ đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn của cả hai nước và đưa quan hệ Việt Nam -Ireland phát triển ngày càng sống động và thực chất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng Việt Nam và Ireland sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau, hợp tác chặt chẽ, hướng tới tầm vóc quan hệ cao hơn trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì một tương lai hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới thăm phòng sách, nơi trưng bày bản gốc cuốn sách thời trung cổ: Book of Kells; tham quan Thư viện cổ, nghe giới thiệu “Bản tuyên ngôn độc lập của Ireland năm 1916” và cây Đàn hạc biểu tượng của Ireland. Một trong ba cây đàn hạc duy nhất của thời Trung cổ Ireland còn lại đến nay và ký sổ khách danh dự.