Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tôi thà cho con học giỏi ở lớp kém, còn hơn phải chịu áp lực học kém ở lớp giỏi

(VTC News) -

Tôi xin chuyển cho con từ lớp chọn về lớp thường vì sau khi vào đó, cháu ngày càng mệt mỏi và tự ti, hóa ra áp lực không phải lúc nào cũng tạo nên kim cương.

Đang ngồi ăn cơm, con trai quay ra nói với tôi: “Đi học lớp mới áp lực quá bố ạ”. Đứa con duy nhất của tôi đang học lớp 6, đã nỗ lực rất nhiều để vào được lớp chọn của ngôi trường điểm tại Hà Nội trong kỳ thi chuyển cấp mùa hè qua. Vợ chồng tôi tự hào về con trai, đứa trẻ luôn có thành tích hàng đầu trong những năm học tiểu học, dù chỉ ở lớp thường.

Từ khi vào lớp 6, việc học dường như trở nên khó khăn hơn vì các bạn đều giỏi. Bản thân cháu nhận thức được điều đó nên rất chăm chỉ, tự giác học. Lịch học của cháu kín mít cả tuần ngay từ tháng 9. Buổi sáng học tại trường, chiều từ 15h đến 19h đi học thêm tại các trung tâm, tối cháu tự học hoặc được gia sư kèm từ 19h30 đến 21h30. Chủ nhật, con tôi cũng chỉ chơi  vào buổi sáng, còn chiều và tối lại học. Hầu hết các bạn trong lớp đều như vậy nên con tôi rất cố gắng để không thua kém.

Sau bữa cơm, tôi gọi con ra ngồi riêng và hỏi: “Tại sao con thấy áp lực?”. Con tôi nói, trong lớp có quá nhiều bạn giỏi, khiến cháu luôn cảm thấy bản thân chậm hơn một nhịp. Những bài tập mà người khác chỉ cần nhìn đề rồi làm một cách thành thục thì cháu phải tính toán khá lâu; bài tập mà bạn khác làm xong trong nửa giờ, cháu phải mất một giờ…

Vì vậy dù đã rất nỗ lực, kết quả trên lớp của con tôi chưa mấy cải thiện. Cháu tự nhận thức được vị trí của mình luôn nằm ở nhóm thấp nhất lớp.

Trẻ cần có cảm giác tự tin để đạt thành tích học tập tốt và cảm thấy hạnh phúc. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Những chia sẻ của con khiến tôi toát mồ hôi vì vừa thương vừa lo sợ. Tôi thầm thấy may mắn vì cháu đã tâm sự với bố mẹ, vì nếu tình trạng này kéo dài thì chắc chắn sẽ dẫn đến tâm lý chán chường, tự ti, mất đi động lực học tập, thậm chí mất cả niềm vui sống và lâm vào trầm cảm.

Sau đó tìm hiểu thêm, vợ chồng tôi càng thấy rõ nổi khổ của con khi phải học trong lớp mà phần lớn các bạn có năng lực cao hơn mình. Giáo viên quen dạy với tốc độ của số đông, tin rằng các em đều hiểu nên kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thường được lướt qua nhanh, dành thời gian để giải các bài toán nâng cao khác. 

Cô giáo cũng thường ít chú ý đến những học sinh nằm nhóm dưới như con tôi mà tập trung hơn bồi dưỡng các bạn xuất sắc. Những bài khó mà bạn xung phong giải trên lớp, con chưa kịp hiểu thì cô đã chuyển sang phần khác. Càng ít được cô quan tâm, con tôi càng kéo dài khoảng cách với nhóm đứng đầu lớp, cứ thế đuối dần.

Các bạn trong lớp cũng có xu hướng thích chơi và tôn trọng người học giỏi hơn nên cháu ngày càng tự ti, ít chủ động giao tiếp, đến nay đã mấy tháng học chung mà chưa có người bạn thật sự nào cả.

Biết hết những điều này, tôi thấy mình đã sai lầm khi để con cố sức vào lớp chọn. Vẫn biết rằng “áp lực tạo ra kim cương”, nhưng áp lực quá mức cũng có thể phá hủy những thứ chưa đủ độ cứng, mà trẻ em thì con non nớt. Năng lực và ngưỡng chịu đựng của mỗi đứa trẻ lại khác nhau. Tôi không muốn con mình mỗi ngày phải chịu đựng cảm giác tự ti, căng thẳng, cố gắng hết sức cũng phải chấp nhận thua kém. Nhớ lại hồi tiểu học, cháu hạnh phúc, rạng rỡ biết bao.

Tôi bàn với vợ chuyển con ra khỏi lớp chọn. Có lẽ với nhiều người, đây là quyết định trái khoáy vì "bao nhiêu người muốn xin vào chẳng được", nhưng bài học vừa qua khiến tôi thấy con làm học sinh giỏi trong lớp kém vẫn tốt hơn nhiều so với làm học sinh kém trong lớp giỏi. Học tập không phải chỉ để thu thập kiến thức mà còn để chuẩn bị cho một giai đoạn trưởng thành lành mạnh và vững vàng.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Văn Giang

Tin mới