Quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy, ở Việt Nam, chỉ một khu vực nhỏ hẹp thuộc miền tây Thanh Hóa và Vân Hồ (Sơn La), là có mộ táng thân cây trên hang đá. Nhìn trên bản đồ, khu vực có mộ táng trong hang dù ở hai tỉnh, nhưng lại khá gần nhau, cách nhau vài chục km theo đường chim bay. Chưa từng có sự xuất hiện mộ táng dạng này ở những địa bàn khác. Đặc biệt, ở các tỉnh giáp biên với nam Trung Quốc (nơi có táng thức này), lại không hề có.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, từng bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về hình thức mộ táng này, và ông nhận định, táng thức này có niên đại độ vài trăm năm, và là của cư dân bản địa, chứ không có gì xa lạ.
Ấy thế nhưng, quá trình tìm hiểu, gặp gỡ các cụ già, các thầy cúng, những người sở hữu những pho sách cổ có tuổi vài trăm năm, lưu giữ tri thức ngàn năm trước, mô tả cả chuyện thời đẻ đất đẻ nước, đều không biết đến hình thức mộ táng này.
Khu vực xuất hiện động táng là nơi người Thái và Mường ở, là đất cổ của hai dân tộc này, song tác thức không liên quan gì cả. Những ngôi mộ cổ của người Mường, có tuổi vài trăm năm, thậm chí ngàn năm, vẫn còn ở vùng tây Thanh Hóa, vùng Hòa Bình, lại là những ngôi mộ đá. Người giàu có được chôn trong quan tài gỗ tốt, có than củi ướp xác và đặc biệt là được quây bằng những phiến đá lớn.
Ngay cả quả núi ở Suối Bàng (Vân Hồ), nơi có quần thể hang động mộ táng, hiện vẫn tồn tại mộ đá cổ vài trăm năm tuổi của cư dân Mường đi cư đến vùng đất này. Quá trình di cư của họ vẫn được ghi trong gia phả.
Những nghĩa địa mộ đá của người Mường cũng vẫn còn rất nhiều ở vùng Quan Sơn, Bá Thước, Quan Hóa, nơi có những động táng bí ẩn.
Điều thú vị, mà ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Sơn cung cấp, đó là, trong những quan tài thân cây, ông từng mở ra, có rất nhiều vải lụa, dù đem ra ngoài một lúc là tan biến hết. Thời điểm đó, ở vùng đất này, cư dân bản địa chỉ có vải đũi, vải dệt thông thường, chứ chưa có lụa là gấm vóc. Do đó, mộ táng của cư dân lạ, không liên quan gì đến hai dân tộc bản địa, là điều có thể đặt ra.
Anh Đinh Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng (Vân Hồ, Sơn La), thì người dân ở đây rất sợ hãi những quả núi có mộ táng trong hang, bởi trong tâm thức từ xa xưa, họ tin nó thuộc về bộ tộc có sở thích ăn thịt người. Thậm chí, họ còn tin rằng, tộc người ấy vẫn còn ẩn hiện trong rừng và tiếp tục bắt người để ăn thịt, nên không phải ai cũng dám vào rừng sâu. Trong truyền thuyết của người Mường và người Thái nơi đây, thì họ gọi tộc người bí ẩn đó là người Xá. Các thầy cúng thì khẳng định, hồn ma người Xá vẫn lẩn khuất sau những vách núi, trong rừng sâu Suối Bàng.
Mặc dù, không còn dấu tích nào của người Xá ở đất này, cũng như những vùng lân cận, nhưng bất kỳ người Thái, người Mường nào định cư ở vùng đất này, cũng biết rõ câu chuyện huyền thoại về người Xá. Họ nhắc đến người Xá với sự kính cẩn, kèm theo nỗi sợ hãi.
Các nhà khoa học đều khẳng định, hộp sọ và xương ống chân trong quan tài lớn hơn người bây giờ.
Chuyện rằng, xưa kia, ở thung lũng Suối Bàng có 2 tộc người định cư, là người Xá và người Thái. Người Thái sống ở ven sông Đà, lấy nghề đánh cá để sống, người Xá sống ở phía trong, có sở thích ăn thịt sống, gồm cả thịt người. Khi dựng nhà cửa, người Xá thường nhờ người Thái làm giúp. Nếu người Thái làm giúp, thì kiểu gì cũng biến thành thức ăn cho họ. Khi người Thái đang lúi húi làm việc trên mái nhà, người Xá dùng que nhọn xiên lên để giết rồi ăn thịt.
Biết người Xá ăn thịt người, nên người Thái không giúp người Xá dựng nhà nữa. Tuy nhiên, người Xá vẫn không tha, mà chọn người béo tốt nhất để ăn thịt. Vì người Xá hay ăn thịt người Thái, nên mâu thuẫn giữa hai bộ tộc xảy ra và có nguy cơ thành xung đột lớn, tàn sát cả bộ tộc.
Đúng lúc đó, thì có nhóm người Mường di cư đến. Biết chuyện, người Mường đã hướng dẫn người Thái thách đấu bằng trò bắn nỏ vào vách đá. Các cụ già người Thái họp bàn, và quyết phương án bắn nỏ. Lời thách đấu đưa ra, người Xá đồng ý luôn.
Theo phương án thi đấu, nếu mũi tên của bộ tộc nào găm vào vách đá, thì bộ tộc đó chiến thắng, được ở lại đất này, chết được chôn ở đây. Còn bộ tộc thua, thì phải đi chỗ khác, phải đem cả mồ mả, tổ tiên ông bà đi. Nỏ của người Xá to, cứng, sức mạnh vô biên, mỗi phát bắn ra 3 mũi tên bọc đồng vừa nhọn vừa cứng, mà nỏ của người Thái thì mềm, nhỏ, lực bắn rất yếu, nên các cụ già rất lo lắng.
Người Mường được trưng dụng làm trọng tài. Trong cuộc thi đó, hai bộ tộc đã cắt máu ăn thề, sẽ thực hiện đúng như cam kết. Cuộc thi bắn diễn ra. Người Xá bắn một phát, 3 mũi tên xé gió bay về phía vách đá. Thế nhưng, cả 3 mũi tên đều bật trở ra, rơi xuống vách núi. Đến lượt người Thái bắn, mũi tên bay tà tà rất nhẹ, nhưng lại đính luôn vào vách đá. Hóa ra, người Mường đã hướng dẫn người Thái làm mũi tên thật mềm, rồi dính sáp ong vào đầu mũi tên. Khi mũi tên cắm vào vách đá, thì kết dính luôn, không rơi xuống chân núi.
Thua cuộc, người Xá buộc phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Nhưng không biết đi đâu, nên họ vào rừng ở. Theo đúng cam kết, người Xá phải đào mồ mả tổ tiên mang đi. Họ đã đục rỗng thân cây, đưa xương cốt tổ tiên vào trong thân cây, rồi đặt lên vách đá trong rừng thẳm. Ở trong rừng, họ săn thú để ăn, bắt ốc đá để ăn, nên trong các hang đá có rất nhiều vỏ ốc, đào xuống lòng hang mấy mét vẫn thấy những lớp vỏ ốc.
Gỗ đinh thối làm quan tài còn nguyên vẹn dù đã nhiều trăm năm, thậm chí ngàn năm.
Người Mường, người Thái ở đây vẫn tin rằng, linh hồn người Xá vẫn còn hiện diện trong rừng già, canh giữ mồ mả tổ tiên, nên họ rất sợ hãi, ít người dám vào rừng. Các cụ già người Thái, người Mường kể rằng, người Xá ở lâu trong rừng, đã biến thành người rừng, với lông lá đầy mình. Theo họ, do đói ăn, nên người Xá đã chết gần hết, hiện chỉ còn một cặp vợ chồng người Xá, vẫn lẩn trốn trong rừng Suối Bàng. Cặp vợ chồng này thường xuyên xuất hiện ở khu rừng bương Tằng Háo và nhiều người nhìn thấy (?!).
Theo mô tả, thì họ có bộ lông dày, màu vàng, hai cánh tay rất to, chân ngắn, di chuyển rất nhanh trong rừng. Thi thoảng người ta vẫn bắt gặp cặp vợ chồng này ngồi bắt chấy cho nhau trên tảng đá lớn. Vào buổi chiều, dân cư ở Suối Bàng thường nghe thấy tiếng kêu "ô nhô, ô nha, ô nhẳng…" vọng lại từ xa của cặp vợ chồng người rừng, nghe rất não nề, thảm thiết.
Theo ông Mùi Văn Chiển, thì tiếng kêu của cặp người rừng này rất khỏe, giòn, vang xa, nhưng rất buồn. Thậm chí, khi cặp vợ chồng người rừng này ở cách xa 10km, cất tiếng kêu, thì người dân Suối Bàng vẫn nghe thấy. Nghe tiếng cặp vợ chồng người rừng ấy gọi nhau trong chiều tà, nhiều người muốn khóc. Theo lời tả của Bí thư Đinh Văn Sửu, thì tiếng hót của vợ chồng người rừng kéo dài, lúc trầm, lúc bổng, lúc ngắt quãng như tiếng sáo Pê ôi của người Thái.
Truyền thuyết người Mường ở đây kể rằng, xưa kia, mất đất, người Xá vào rừng sâu ở, cũng làm nương rẫy, nhưng nước non thiếu thốn, đất ít, nên đói kém lắm. Có cặp vợ chồng có 2 đứa con, đói quá cứ đòi mẹ cho ăn, nhưng mẹ bảo: "Con cứ ngoan đi, chờ bố đi mo (đi cúng) về, sẽ có xôi ngũ sắc để ăn, có cả đùi gà rừng mang về nữa". Chờ mãi không thấy bố về, lúc bà mẹ đảo nồi cơm sôi, đứa con thò tay vào định bốc. Sợ tay con bẩn, mẹ lấy đũa cả vụt vào tay con. Hai đứa con tự ái bỏ chạy vào rừng. Bố mẹ đi tìm, gọi con về, nhưng hai đứa không về nữa, vì trong rừng có nhiều loại quả để ăn, không bị đói. Hai đứa trẻ sống lâu trong rừng, đã biến thành người rừng và chúng đã thành tinh, sống đến bây giờ. Là anh em, nhưng chúng sống với nhau như vợ chồng, hình bóng không rời.
Truyền thuyết của người Mường, người Thái ở đây là như vậy, họ tin người Xá biến thành người rừng, nhưng theo lời anh Đinh Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng, thì cặp vợ chồng người rừng đó chính là cặp vượn khổng lồ. Bản thân anh Sửu đã giáp mặt cặp vượn đó nhiều lần hồi anh còn nhỏ, khi vào rừng bắt ốc đá về ăn. Sau này, anh có dịp xuống vườn thú Hà Nội, thì cũng thấy đười ươi, vượn và anh khẳng định cặp vượn trong rừng Suối Bàng rất khác biệt, trông chúng giống người hơn. Chúng thường đi bằng hai chân, và luôn cặp kè bên cạnh nhau. Chúng ẩn hiện thoăn thoắt trong rừng, dù nhiều người giáp mặt, nhưng nhìn không kỹ, nên khẳng định là người rừng. Nghĩ đến những truyền thuyết về người Xá, họ liên tưởng cặp vượn ấy là người rừng, nên câu chuyện về tộc người Xá bí ẩn càng được thêu dệt nhiều lên.
Cũng theo truyền thuyết này, thì người Xá có mặt ở vùng đất này, và bị xua vào rừng vì thua cuộc bắn tên từ hơn 1.000 năm trước. Có nghĩa là, nếu theo truyền thuyết, thì những quan tài với động táng này đã có từ hơn ngàn năm trước, chứ không phải vài trăm năm, bởi, nếu mộ táng mới có vài trăm năm, thì sẽ được ghi vào sách cổ của cư dân nơi đây, chứ không thể bí ẩn và mất hút, không có chút thông tin nào như thế.
Còn tiếp...