Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Toàn cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết phát triển Vùng Tây Nguyên

(VTC News) -

Hội nghị có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Sáng 14/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khoá XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng​​​.

Dự hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương. 

Ngày 6/10, Bộ Chính trị khoá XIII đã chính thức ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trình bày báo cáo những nội dung cơ bản của Nghị quyết 23 về phát triển vùng Tây Nguyên.

Đây là hội nghị thứ 3 về phát triển vùng. Trước đó, vào tháng 4/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây cũng là hội nghị có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; phía bắc và phía đông giáp 6 tỉnh duyên hải Miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận; phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận; phía tây giáp tỉnh Bình Phước và hai nước bạn Lào, Campuchia; với diện tích tự nhiên là 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước. Vùng Tây Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được, đặc biệt là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước, và khoảng 10 tỉ tấn trữ lượng bôxit, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước.

Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 53/53 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 52 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng; lâu đời và đông nhất là đồng bào Ê đê, Mnông, Giarai, Bana...

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; có nền văn hoá dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng. Đây là một địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương".

Hội nghị nhận được nhiều tham luận của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương trong Vùng Tây Nguyên. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tham luận tại hội nghị.

Văn Hiếu - Kim Anh (VOV.VN)

Tin mới