Tối 24/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội liên quan vụ nâng khống giá thiết bị y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.
Ngoài ông Cảm, HĐXX không chấp nhận đơn kháng án của 5 bị cáo còn lại, gồm 3 cựu cán bộ CDC Hà Nội Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh và 2 bị cáo Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST), Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty Nhân Thành).
Tòa cũng bác kháng cáo của CDC Hà Nội về việc xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Cảm và 3 cựu cán bộ cơ quan này.
Tòa tuyên ông Nguyễn Nhật Cảm y án 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh này, Nguyễn Vũ Hà Thanh và Đào Thế Vinh lĩnh 6 năm 6 tháng tù. Nguyễn Thị Kim Dung và Nguyễn Trần Duy bị phạt 6 năm tù. Còn bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh phải nhận 5 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội và các bị cáo khác nghe toà tuyên án
Theo HĐXX, ông Nguyễn Nhật Cảm khi còn làm Giám đốc CDC Hà Nội chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ định thầu gói thầu mua sắm thiết bị xét nghiệm phòng, chống dịch. Với động cơ vụ lợi, bị cáo đã trực tiếp thống nhất mức giá mua sắm với Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền trước khi chỉ định thầu.
Ông Cảm còn trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với Nguyễn Trần Duy. Từ đó, bị cáo Duy giả mạo hồ sơ chứng thư thẩm định giá, cao hơn mức giá mà CDC Hà Nội yêu cầu.
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội cũng chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện hồ sơ để cho Công ty MST trúng thầu gói mua sắm thiết bị. Việc làm của ông Cảm là trái quy định của pháp luật, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.
Nguyễn Vũ Hà Thanh và nhóm bị cáo là cựu cán bộ CDC Hà Nội chịu trách nhiệm về quá trình chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ thầu không đúng quy định. Nhóm bị cáo còn lại vì động cơ vụ lợi, đã có hành vi gian lận khi cung cấp báo giá và hồ sơ để được chỉ định thầu.
Ngoài ra, họ đồng phạm, giúp sức trong việc cấu kết, bàn bạc, thống nhất để mua đi bán lại nhằm nâng khống giá thiết bị, vụ lợi cá nhân.
"Trong khi Nhà nước tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch COVID-19, các bị cáo lại có hành vi gian lận, câu kết phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, tổ chức", chủ tọa kết luận.
Sau khi thống nhất với đề nghị của VKSND Cấp cao tại Hà Nội, tòa phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Nhật Cảm và 5 bị cáo còn lại.
Trước khi toà tuyên án, nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm cho biết tin tưởng vào sự công minh công bằng của HĐXX, mong HĐXX đánh giá công bằng, khách quan.
"Bị cáo thấy đau xót vì các cán bộ CDC Hà Nội rất tâm huyết, chỉ vì nhận thức pháp luật hạn chế, thiếu thông tin nên đã vi phạm pháp luật. Bị cáo vô cùng đau xót khi các cán bộ đó hoàn toàn có thể chống dịch trong những ngày căng thẳng này. Mong HĐXX xem xét toàn diện, khách quan bối cảnh phạm tội để các bị cáo sớm trở về cống hiến, học tập kiến thức để chống dịch cho cộng đồng, giảm thiệt hại cho sức khoẻ của nhân dân", cựu Giám đốc CDC Hà Nội trình bày.
Các bị cáo còn lại cũng bày tỏ mong muốn được HĐXX xem xét, hưởng khoan hồng của pháp luât, sớm trở về với gia đình và cống hiến cho ngành y học.