Sáng 3/2, tại Hà Nội, trong khuôn khổ triển lãm sách kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức tọa đàm "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp văn hóa - văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX".
Giáo sư Phong Lê là diễn giả chính của buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Tuấn)
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu, khách mời và đông đảo khán giả được nghe diễn giả chính, Giáo sư Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nói chuyện về ba thời điểm cơ bản của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp văn hóa - văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX.
Đó là các mốc lịch sử: Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi; năm 1930, Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước khi đang đọc Luận cương về cách mạng dân tộc và thuộc địa của Lênin tại Paris; năm 1930 - ngày sinh của Đảng; năm 1945 diễn ra Cách mạng Tháng Tám và Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ba giai đoạn đó đánh dấu sự nghiệp viết của Nguyễn Ái Quốc, bắt đầu từ Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Vécxây (1919), báo Le Paria (1921 - 1924), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927). Và sau cách mạng Tháng Tám là tác phẩm “Bản tuyên ngôn Độc lập” bất hủ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ở các mốc lịch sử gắn với các sự kiện trên là sự ra đời của một nền văn học cách mạng - hiện đại Việt Nam, thay cho nền văn học trung đại kéo dài hơn 1.000 năm. Mùa gặt đầu tiên của nó gắn với thời điểm trước và sau năm 1945, chứa đựng nội dung yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, khẳng định quyền sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc cho hơn 25 triệu người dân Việt.
Ngoài ra, theo đánh giá của các đại biểu tham dự toạ đàm, chủ nghĩa yêu nước trong văn học - nghệ thuật Việt Nam phát triển lên đỉnh cao trong 30 năm (1945 - 1975), làm nên một trong số những nền văn học tiên phong chống đế quốc của thế giới thế kỷ XX. Ba mươi năm một nền văn học chống đế quốc, với nội dung gắn kết chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, để lại nhiều tên tác phẩm, tác giả xuất hiện liên tục qua các thời điểm 1945, 1954, 1960, 1975.
Giai đoạn 1960 đến 1975 và sau 1975 đến 1986 là sự kết hợp hai chủ đề Tổ quốc và Chủ nghĩa xã hội; là cuộc đi tìm mô hình phát triển đất nước sao cho phù hợp với quy luật và hợp lòng dân. Đó là con đường sau Sửa sai trong Cải cách ruộng đất (1956) đến Cởi trói trong Đổi Mới (1986), với hai khẩu hiệu: ''Lấy dân làm gốc'', "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật''... Có những vấp váp, sửa chữa, để sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ (năm 1989), Việt Nam vẫn đứng vững và đi vào Kỷ nguyên Hội nhập (1995 - 2020).
Uỷ viên Trung Ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ tham quan gian trưng bày và áp phích tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp văn hóa - văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX". (Ảnh: Minh Tuấn)
Trên hành trình lịch sử ấy, văn hóa - văn học - nghệ thuật Việt Nam tiếp tục có được những "mùa màng" có giá trị phản ánh, dự báo trên cơ sở những trải nghiệm lịch sử, trách nhiệm công dân của nhà văn.
Theo ban tổ chức, chương trình tọa đàm góp phần giúp các nhà nghiên cứu, tác giả, cộng tác viên, bạn đọc của các nhà xuất bản… cập nhật những tri thức mới về Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp văn hóa - văn học nghệ thuật Việt Nam.
“Triển lãm sách Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra từ 2-9/2 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.