Sáng 28/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Tại phiên toà, HĐXX nhận định, việc Vinasun cho rằng Grab không có chức năng kinh doanh vận tải nhưng lại thực hiện hoạt động này nên gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ.
Grab giao dịch với hành khách bằng phương thức kết nối phần mềm. Hoạt động này chính là kinh doanh vận tải điện tử, chứ không đơn thuần chỉ là cung ứng phần mềm kết nối.
HĐXX tuyên vụ Vinasun kiện Grab.
Theo HĐXX, để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì doanh nghiệp phải đảm bảo những điều kiện như niên hạn xe, đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, khấu trừ thuế thu nhập, tài xế phải đủ điều kiện hành nghề, có bộ phận pháp lý… Tuy nhiên, Grab không đáp ứng các điều kiện này. Vì vậy, Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh doanh vận tải.
Ngoài ra Grab còn có các vi phạm: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không đăng ký, không niêm yết theo quy định khẩu hiệu, khuyến mãi gửi trực tiếp vào email cá nhân, …
HĐXX nhận định hành vi vi phạm Đề án 24 là vi phạm nghiêm trọng nhất. Việc Vinasun khởi kiện cho rằng Grab kinh doanh gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ...
Như vậy, hành vi vi phạm của Grab dẫn đến thiệt hại cho Vinasun. Tuy nhiên, về vấn đề giảm vốn hoá thị trường của Vinasun còn có nhiều yếu tố, không xác định cụ thể được phần nào do Grab gây ra.
Từ đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng cho Vinasun, bác phần đòi bồi thường còn lại.
Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm vụ kiện, đại diện VKSND TP.HCM cho biết Công ty Giám định Cửu Long đã được triệu tập nhiều lần nhưng không đến, mặc dù được tòa chỉ định và nhiều lần triệu tập tới tòa nhưng đều không đến là vi phạm pháp luật.
Đại diện VKS nói rằng, qua vụ án cụ thể này sẽ đề xuất VKSND Tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia vận tải hành khách.
VKS nhận định Grab đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật và hãng taxi Vinasun đã xảy ra thiệt hại rất lớn, nhiều hơn nhiều so với con số 41,2 tỷ đồng mà Vinasun yêu cầu Grab bồi thường. Tuy nhiên, Vinasun lại không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình. Vì vậy, không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường số tiền là 41,2 tỷ đồng.