Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản đã làm gì?

Thời gian qua, Tổ công tác do Thủ tướng thành lập đã làm việc với các doanh nghiệp, địa phương để nắm tình hình, đưa ra giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Chia sẻ tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023", ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp và có những văn bản hướng dẫn kịp thời để triển khai, áp dụng thực hiện.

Tổ công tác đã làm gì?

Là người trong tổ công tác, ông Dũng cho hay đã tiếp cận những kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến khó khăn trong triển khai dự án, qua đó rà soát, phân loại và có văn bản yêu cầu các địa phương giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, sau đó báo cáo cho tổ công tác.

Song song đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo và giao cho các bộ, ngành hoàn thiện đồng bộ các quy định liên quan đến lĩnh vực bất động sản, hoạt động của thị trường, doanh nghiệp bất động sản.

Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp cũng như trao đổi với chuyên gia, hiệp hội để nắm bắt những khó khăn của thị trường bất động sản. (Ảnh: Quỳnh Danh).

Dưới những nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các nghị định quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực của Bộ. Còn Bộ Tài chính hoàn thiện sửa đổi Nghị định 65, 53 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Theo ông Dũng, với việc sửa đổi các văn bản này, hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo đồng bộ từ luật đến các quy định dưới luật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội... Nghị định này quy định đầy đủ, đồng bộ để các địa phương áp dụng, tránh tình trạng lúng túng, kéo dài trình tự thủ tục.

Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu các địa phương đẩy mạnh rà soát và trình phê duyệt cũng như phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch, từ quy hoạch chung tới chi tiết để làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở trên địa bàn.

Cần phát triển song song thị trường BĐS và tài chính

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (VARS) cho rằng thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Trong đó, vướng mắc về pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp, dự án. Kế đến là bất cập trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng lại khẳng định thực chất tín dụng không gây ra "bong bóng" bất động sản. "Chính những người ôm dự án nhiều, tính lãi lên khi thị trường gặp vấn đề sẽ không thể bán được. Do đó, doanh nghiệp cũng phải xắn tay lên để tháo gỡ chứ không chỉ trông chờ vào Nhà nước", ông Hùng nhìn nhận.

Trong bối cảnh này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng cái khéo của các quốc gia phát triển vận hành thị trường bất động sản chính là làm sao thúc đẩy hai thị trường tài chính và bất động sản.

Ông nhấn mạnh nếu Việt Nam muốn nhìn cách xử lý từ các quốc gia khác thì phải nhìn tổng thể. Câu chuyện đầu tiên là quy hoạch. Thứ hai là pháp lý, đặc biệt là bảo đảm quyền tài sản chứ không phải quyền sở hữu - đây là vấn đề mà nhiều nước vấp phải.

Thứ ba là sự phát triển thị trường tài chính. Với các nước Đông Á, ông đánh giá thị trường vốn chưa thật sự phát triển, như Việt Nam gần đây mới có sự bùng nổ về trái phiếu doanh nghiệp. Phần lớn nguồn vốn ở các quốc gia Đông Á vẫn dựa vào tín dụng.

"Để phát triển và đa dạng hóa thị trường tài chính là cả một câu chuyện lớn. Bên cạnh phát triển các thị trường vốn, thị trường tín dụng thì các định chế tài chính như các loại hình quỹ phát triển bất động sản khác nhau cũng rất cần, tuy nhiên ở Việt Nam lại rất thiếu", ông Thành nói.

Vị chuyên gia cho rằng gắn với câu chuyện này đòi hỏi sự giám sát, minh bạch thông tin, đặc biệt là vấn đề nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng.

"Thông thường các quốc gia xử lý tập trung vào hai góc độ quan trọng nhất là cam kết chính trị bảo đảm minh bạch và các vấn đề liên quan đến pháp lý tài chính, tiền tệ", ông nhấn mạnh.

Theo ông, hai vấn đề này gắn quyện với nhau bởi nếu không xử lý vấn đề pháp lý thì mối quan hệ giữa các định chế tài chính, các ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản không trở về trạng thái dòng tiền dịch chuyển bình thường. Bên cạnh đó, cần phải có định hướng cung cầu để cân đối nguồn cung cho thị trường bất động sản.

"Do đó, trong giai đoạn khó khăn này, không phải chúng ta chỉ sửa, chỉnh. Vận hành trở lại thị trường rất quan trọng nhưng đồng thời phải nhìn nhận tổng thể để có công cuộc cải cách với thị trường này, tái cấu trúc, cải tổ thị trường này từ cấp vĩ mô cho đến cấp vi mô để thị trường bật dậy", ông nêu rõ.

Nguồn: Zing News

Tin mới