Đó là thông tin được ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - đưa ra tại Diễn đàn "Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư" sáng 28/9.
Theo ông Hải, tổ công tác của Chính phủ đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan đến 180 dự án trên cả nước, đã xử lý 119 văn bản và Bộ Xây dựng đã có 35 văn bản hướng dẫn.
Kết quả là hiện nay, TP.HCM đã giải quyết được 180 dự án vướng mắc liên quan đến 30 nội dung gửi về tổ công tác và Sở Xây dựng, giải quyết được 67 dự án.
Tại Hà Nội giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với 712 dự án ban đầu và tổ đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.
Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Về đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, 41 dự án đã được hoàn thành với quy mô 9.416 căn, 294 dự án đang tiếp tục triển khai, quy mô 288.499 căn hộ.
Về gói giải ngân 120.000 tỷ, UBND các tỉnh đang xem xét công bố 40 dự án, tổng nhu cầu vay 18.000 tỷ. Hiện nay, các Sở Xây dựng đã xem xét xong 24 dự án với nhu cầu 12.000 tỷ, còn quyết định có được vay hay không sẽ qua Ngân hàng Nhà nước xem xét thêm.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.
Ông Hải cũng nhấn mạnh, bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều ngành, nghề khác. Theo thống kê, đóng góp trực tiếp và gián tiếp của ngành bất động sản đối với kinh tế là khoảng 14%.
"Những đặc điểm của thị trường hiện nay là: Hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản còn chưa đồng bộ, các địa phương tháo gỡ đã được khoảng 70%. Trong khi đó, nguồn cung giảm nhưng giá chưa hợp lý, thiếu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Ngoài ra, sức mua kém và việc tiếp cận nguồn vốn là rất khó khăn ", ông Hải nói.
Ông Hải lưu ý đến ba vấn đề chính của thị trường bất động sản hiện nay, đó là cơ chế chính sách, vốn và việc thực thi.
Đầu tiên là vướng mắc pháp lý, đặc biệt nhất là liên quan đến khó khăn về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất. Ngoài ra còn vướng mắc pháp luật về quy hoạch như quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch cấp trên. Hay liên quan đến pháp luật về đầu tư, điều kiện mua nhà ở xã hội còn nhiều rắc rối...
Liên quan đến khó khăn về nguồn vốn: hiện có hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu đã phát hành và cần trả nợ cuối năm nay. Về quản lý tổ chức của các địa phương, cũng còn nhiều thiếu sót, bệnh sợ trách nhiệm.
Cuối cùng là một số thông tin không chính xác về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu tràn lan dẫn đến tâm lý người dân e ngại nghe ngóng, chuyển sang kênh đầu tư khác, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Vì vậy, sau khi nhận diện được các vấn đề, Chính phủ đã có Nghị quyết 33 để tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường lành mạnh an toàn. Kết quả là Chính phủ đã dự thảo trình Quốc hội Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chính phủ đã có Nghị định 08 về chào bán trái phiếu, Nghị định 10 về sổ hồng cho condotel.
Trong thẩm quyền các bộ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành loạt văn bản, đã giảm lãi suất 4 lần, giảm từ 1,5 - 2%, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng ra Thông tư 02 liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Để các chính sách, giải pháp, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng cùng các ban ngành đề ra đạt được kết quả như mong đợi thì cần có thời gian và cần sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp ban ngành. Cùng với đó là sự ủng hộ, đồng tình của người dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, thuộc thẩm quyền cơ quan nào thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết", ông Hải nhấn mạnh.