Bức ảnh độc đáo mới được chụp bởi Kính viễn vọng Very Large của Đài thiên văn Nam Châu Âu ở Chile, mô tả một tinh vân có tên là IC 2944, nằm cách Trái đất khoảng 6.500 năm ánh sáng. IC 2944 có hình dạng đặc biệt giống một con gà đang chạy nên các nhà thiên văn học đặt biệt danh cho nó là "Tinh vân Con Gà Chạy”.
Trong bức ảnh chụp bởi Kính viễn vọng Very Large ở độ phân giải lên tới 1,5 tỷ pixel tuyệt đẹp, có thể thấy các dòng khí và bụi mỏng manh của tinh vân phát sáng trong các tông màu đỏ, hồng và cam, nổi bật kèm các ngôi sao màu xanh sáng. Các quan sát mới được thực hiện bằng camera trường rộng có tên OmegaCAM trên Kính viễn vọng Very Large.
Hình ảnh 1,5 tỷ pixel mới cho thấy Tinh vân Con Gà Chạy với độ chi tiết chưa từng có. (Ảnh: Đài thiên văn Nam Châu Âu)
Tinh vân Con Gà Chạy rộng khoảng 71 năm ánh sáng nằm trong chòm sao của Centaurus, trong nó còn chứa một số vùng riêng biệt. Vùng sáng nằm ở phần “mông con gà” được gọi là IC 2948. Khu vực này chứa đầy khí sáng và bụi phân tử, tất cả được điểm xuyến bằng các ngôi sao trẻ nóng bỏng có tông màu xanh dương. Cũng không quá khó để thấy chủng sao này xuất hiện rải rác ở các phần còn lại trong Tinh vân Con Gà Chạy.
Phần sáng nhất nằm trong phần trên “chiếc cánh gà đang vỗ” chứa ngôi sao lấp lánh Lambda Centauri. Ở phía trên bên phải của hình ảnh, có hai tinh vân phát xạ chứa vùng khí ion hóa siêu nóng được gọi là Gum 39 và Gum 40, hai tinh vân này tạo thành phần đầu của con gà. Một tinh vân phát xạ khác có tên là Gum 41, có thể được nhìn thấy ở phía dưới bên phải của hình ảnh, tạo thành phần chân của con gà.
Ngoài ra, còn có vô số ngôi sao màu cam, trắng và xanh, giống như pháo hoa trên bầu trời xuất hiện khắp nền tinh vân.