Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tình thế 'đi trên dây' của quốc gia châu Âu duy nhất từ chối chống Nga

(VTC News) -

Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn, hầu hết châu Âu đều có lập trường chống Nga, tuy nhiên, có một quốc gia vẫn từ chối chọn bên, đó là Serbia.

Serbia được coi là "người bạn" còn lại cuối cùng của Nga ở châu Âu khi nước này không tham gia vào các lệnh trừng phạt của EU. Điều đó khiến Belgrade đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt và sức ép từ các quan chức EU, những người cho rằng là một nước ứng viên gia nhập EU, Serbia nên có lập trường về chính sách đối ngoại thống nhất với Chính sách An ninh và Đối ngoại chung của EU, trong đó có việc áp trừng phạt lên Nga.

Tiến thoái lưỡng nan

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 25/11/2021 ở Sochi, Nga. (Ảnh: Reuters)

Dù vậy, chính phủ Serbia vẫn bảo vệ quan điểm của mình, nhận định việc chọn bên không nằm trong lợi ích quốc gia của nước này. Giữa bối cảnh môi trường địa chính trị hiện nay phân cực sâu sắc, lập trường trung lập của Serbia ngày càng bị lung lay khi sức ép từ EU không ngừng gia tăng.

Serbia nộp đơn gia nhập EU năm 2009 và tiến hành các cuộc thảo luận về việc gia nhập từ năm 2014. Nước này cũng nhiều lần khẳng định ưu tiên hàng đầu là trở thành thành viên EU.

Tuy nhiên, vào tháng 10, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell khẳng định quá trình gia nhập EU của Serbia đang chững lại do nước này không có chung lập trường về chính sách đối ngoại với châu Âu.

Việc quá trình gia nhập EU bị chậm lại không phải một lời đe dọa quá nghiêm trọng với Serbia bởi nước này hiểu rõ, Belgrade sẽ không được chấp nhận cho gia nhập liên minh cho tới khi giải quyết xong tranh chấp với Kosovo.

Dù vậy, EU vẫn còn những lựa chọn hiệu quả khác để gây sức ép lên Serbia. Belgrade đã nhận hơn 1,5 tỷ euro trong gói ngân sách gia nhập từ 2014 - 2020 và dự kiến sẽ nhận được gói lớn hơn từ 2021 - 2027. Nếu EU quyết định từ chối cho Serbia tiếp nhận gói ngân sách tiền gia nhập này hoặc dừng đầu tư, điều đó rõ ràng sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế và sự phát triển của Serbia.

Nhưng nếu thực hiện các lệnh trừng phạt mà EU áp lên Nga, Serbia cũng sẽ chịu thiệt hại không kém. Quốc gia này nhập khẩu 85% khí đốt từ Nga, do đó, bất kỳ động thái nào khiến dòng chảy khí đốt này dừng lại đều sẽ có hậu quả đáng kể đến nền kinh tế và xã hội Serbia.

Hưởng lợi từ quan hệ với Nga

Nếu không áp trừng phạt Nga, Serbia sẽ đảm bảo được thỏa thuận cung cấp khí đốt liên tục kéo dài 3 năm với Moskva cùng những điều khoản thuận lợi.

Điều đó khiến Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic khẳng định với người dân nước này rằng họ sẽ không phải chịu đựng một mùa đông khó khăn khi châu Âu thiếu điện và đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng chóng mặt. Hợp đồng trên với Nga cũng giúp Serbia có thể xuất khẩu khí tự nhiên sang các nước láng giềng để kiếm lợi nhuận.

Serbia cũng ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với Nga, có hiệu lực từ 2006 và ký một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu do Nga dẫn đầu năm 2019, mở ra thị trường rộng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Serbia. Những thỏa thuận này có thể sẽ dừng lại nếu mối quan hệ giữa Serbia và Nga trở nên xấu đi.

Ngoài ra, Serbia cũng chứng kiến các doanh nghiệp của Nga dịch chuyển sang nước này, chủ yếu là ngành IT với hơn 1.000 công ty đăng ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ngành hàng không của Serbia cũng được hưởng lợi khi hãng hàng không Air Serbia là hãng hàng không duy nhất ở châu Âu vẫn duy trì các chuyến bay thường xuyên tới các sân bay Nga.

Cuối cùng, Serbia phụ thuộc vào sự ủng hộ chính trị của Nga cũng như ảnh hưởng của Moskva tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác để ngăn Kosovo gia nhập, vốn là một phần trong nỗ lực của Serbia để ngăn cản Kosovo được quốc tế công nhận.

Lựa chọn của Serbia

Tuy nhiên, cùng lúc đó, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, không phải lúc nào Serbia cũng đứng về phía Moskva trên các diễn đàn quốc tế. Hồi tháng 3, nước này đã bỏ phiếu cho nghị quyết của Liên hợp quốc chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và vào tháng 10, nước này đã bỏ phiếu cho một nghị quyết khác bác bỏ việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine.

Các nhà ngoại giao Serbia ở Liên hợp quốc cũng ủng hộ việc dừng tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, điều mà ông Vucic nói là do phải chịu sức ép từ EU.

Tất cả những điều trên đã cho thấy bằng cách "đi trên dây" trong cuộc đối đầu giữa EU và Nga, Serbia đang cố gắng để hưởng lợi hết mức có thể. Trên thực tế, việc Serbia hợp tác với Đông và Tây Âu xuất phát từ lợi ích của riêng mình thay vì chia sẻ giá trị chung.

Cảnh báo của EU về việc dừng quá trình đàm phán để gia nhập EU có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến Serbia bởi dư luận nước này ngày càng ít hào hứng với việc gia nhập liên minh.

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự ủng hộ về việc gia nhập EU ở Serbia không chỉ giảm xuống dưới ngưỡng 50% mà tỷ lệ những người phản đối trở thành thành viên EU đã lớn hơn số người ủng hộ. Xu hướng này diễn ra chủ yếu là do yêu cầu bình thường hóa quan hệ với Kosovo mà EU nêu ra như một điều kiện để trở thành thành viên của liên minh.

Cùng lúc đó, với mối quan hệ về văn hóa, lịch sử và tôn giáo chặt chẽ với Nga trong những năm qua, câu hỏi đặt ra là nếu chọn bên, liệu Serbia có chọn đối đầu với EU?

Câu trả lời rõ ràng là không. Chính phủ Serbia hiểu rõ, cho tới nay EU là đối tác thương mại lớn nhất của nước này khi chiếm hơn 60% tổng kim ngạch thương mại năm 2021. Để so sánh thì kim ngạch thương mại giữa Serbia và Nga chỉ chiếm chưa tới 5%. Vì vậy, lợi ích kinh tế chủ yếu của Serbia nằm ở sự hợp tác với EU.

Phản ứng trước sức ép ngày càng gia tăng từ EU, lập trường trung lập của chính phủ Serbia đang bắt đầu lung lay. Trong một tuyên bố trước truyền thông gần đây, Tổng thống Vucic cho biết ông vẫn duy trì chính sách hiện tại cho tới thời điểm cái giá phải trả của Serbia lớn hơn so với dự tính và cho đến khi Serbia cần thừa nhận một thực tế khác.

Chính phủ Serbia cho biết nước này sẽ không thể mua dầu Nga do lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực vào tháng 12. Nước này cũng đã thông báo kế hoạch đầu tư trị giá 12 tỷ euro để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ.

Kiều Anh (VOV.VN )

Tin mới