Tín dụng xanh là khoản vay mà các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu kinh doanh sản xuất, đầu tư, tiêu dùng không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái. Đây được xem là giải pháp tài chính hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội trên thế giới.
Theo Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín dụng xanh được cấp cho dự án đầu tư như sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tạo ra lợi ích khác về môi trường.
Đặc điểm của tín dụng xanh
Về tổng thể, tín dụng xanh là những hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại dưới dạng tiền tệ với một số đặc điểm như:
- Hỗ trợ phát triển bền vững xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng kinh tế xanh, giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường.
(Ảnh minh họa)
- Vốn được cấp cho những dự án "xanh", nghĩa là những dự án sản xuất, kinh doanh an toàn cho môi trường hoặc tác động tích cực đến môi trường. Mỗi ngân hàng sẽ đặt ra tiêu chí riêng để đánh giá.
- Nguồn vốn sử dụng cho vay là nguồn vốn "xanh". Theo đó, các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn "xanh" thông qua hợp đồng ủy thác của Ngân hàng Nhà nước, quỹ hỗ trợ tín dụng xanh hoặc thông qua phát hành "trái phiếu xanh" để huy động vốn.
Cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh
Theo Điều 155 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh được quy định như sau:
- Khuyến khích tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ưu tiên bố trí nguồn vốn để tài trợ, cho vay ưu đãi với dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cấp tín dụng xanh được hưởng các cơ chế khuyến khích như: ưu tiên tiếp nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, tổ chức quốc tế và đối tác phát triển; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ đào tạo, tập huấn cấp tín dụng xanh.