Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tìm thấy tung tích người đàn ông da bọc xương: Chỗ ở 7m2, không thể tự đi đứng

(VTC News) -

Người đàn ông da bọc xương như người của năm đói 1945 gây xót thương cho cộng đồng mạng ít ngày trước hiện yếu đến mức không thể tự đi lại, sống trong căn phòng 7m2.

Cân nặng bằng trẻ lớp 4

Cách đây ít ngày, bức ảnh người đàn ông chừng 50 - 60 tuổi cởi trần nách kẹp thùng mì tôm từ thiện, tay nhận tiền từ vị sư trên đường được lan truyền rộng rãi trên mạng. Tấm thân gầy quá mức chỉ còn da bọc xương, không khác gì hình ảnh các nạn nhân của trận đói năm 1945, khiến nhiều người xót thương, muốn giúp đỡ nhưng không ai biết ông ở đâu.

Qua nhiều nguồn thông tin, phóng viên VTC News tìm được tung tích của người trong ảnh. Đó là ông Nguyễn Văn Huệ, còn gọi ông Mai, 63 tuổi, sống trong xóm lao động nghèo nằm giữa 3 chung cư sang trọng ở quận 6 (TP.HCM) là Lò Gốm, Chợ Lớn và Starlight Riverside.

Hình ảnh ông Mai được lan truyền trên mạng xã hội. (Ảnh: MXH)

Men theo con hẻm loang lổ, chúng tôi tìm được ông Mai ở căn phòng xập xệ 7m2. Mỗi lần mưa lớn, nước ngập đến sát chỗ nằm. “Thân thể teo tóp hết rồi, chỗ ở thế nào cũng đủ” - ông thều thào giải thích.

Người đàn ông này hiện không đi lại như hôm được chụp bức ảnh gây sốc kể trên, phải ngồi xe lăn. Cái xe bé xíu, vậy mà ông ngồi lên vẫn còn rộng rãi, thoải mái, ước chừng có thêm một người như vậy vẫn đủ chỗ. Cứ nói được mấy câu, ông lại thở hắt ra vì hết hơi, mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi. 

Ăn không ngon, ăn gì cũng chỉ một chút, áng chừng được 3 muỗng cơm thôi. Ăn đến muỗng thứ tư là muốn ói. Hồi mới bệnh, tôi còn ăn được được một chút, rồi càng ngày càng không ăn nổi nữa”, ông nói.

Trước đây, ông Mai mạnh khỏe như bất kỳ ai, nặng tầm 60 kg. Để mưu sinh, ông nhận làm tất cả mọi việc, hễ ai gọi là đi, không ngại cực khổ. Ông từng làm phụ hồ, làm nương, từng chặt vác cây to một mình.

Cách đây dăm bảy năm, sau một lần đổ bệnh, ông yếu đến mức tự chăm sóc bản thân cũng khó. Vài năm trước, vợ bỏ đi, ông lủi thủi một mình từ đó.

Ông Mai thân thể gầy gò, chỉ còn da bọc xương.

Thấy ông quá mệt, chúng tôi không tiện hỏi thêm, đành tìm gặp người nhà ở gần đó. Anh Nguyễn Văn Hoàng (35 tuổi, con trai của ông Mai) kể, ba anh hiện chỉ nặng tầm 28kg, tương đương cân nặng của học sinh lớp 3, lớp 4. 

Bác sĩ trả về nhiều lần

Ba tôi nhiều bệnh lắm, phổi và tai biến là bệnh chính. Hồi trước tai biến không đi chữa được, sau nhờ châm cứu ba tôi mới đi đứng lại được. Nhưng bây giờ đến bác sĩ cũng chê, cứ vô viện là bác sĩ trả về thôi, duy trì được ngày nào hay ngày ấy”, anh Hoàng ngậm ngùi, cho biết mọi sinh hoạt của ông Mai bây giờ phụ thuộc vào các con.

Độ nửa tháng nay, sức khỏe ông Mai kém hẳn. Các con gom góp được hơn 1 triệu đồng mua cho ba chiếc xe lăn để di chuyển những lúc quá mệt. Mùa mưa sắp đến, sợ nước ngập nhà như các năm trước, ông sẽ không chống đỡ được với tình hình sức khẻ hiện tại, họ lại bàn nhau góp tiền nâng sàn nhà lên.

Thế nhưng các con ông Mai đều là lao động phổ thông, bị dịch COVID-19 làm cho thất nghiệp. Đang không biết tính toán thế nào thì họ nghe hàng xóm nói có phát gạo ở gần nhà. Sợ mình đến xin người ta không cho, con gái ông (chị Nguyễn Thị Đức An, 41 tuổi) chở ba đến, nhưng khi tới nơi thì gạo vừa hết.

Đang thất thểu định ra về thì ông Mai được vị sư thầy nhìn thấy, liền tặng thùng mì tôm và 200.000 đồng. Khoảnh khắc này được ai đó chụp lại và đăng lên mạng xã hội. 

Ông Mai chỉ nặng khoảng 28 kg, bằng cân nặng học sinh tiểu học.

Khi nhìn thấy bức ảnh, tôi muốn rớt nước mắt. Cũng vì chúng tôi nghèo, ba tôi thì không biết sẽ đi lúc nào”, chị An nghẹn ngào.

Nghỉ một lát thấy hơi hồi sức, ông Mai lại tiếp chuyện khách: “Tôi biết mình đang yếu mà không dám đi khám, sợ đang có dịch liên quan đến phổi, thấy mình bị bệnh phổi người ta nhốt mất. Chờ hết dịch chắc mấy đứa con sẽ đưa đi khám”.

Không đi lại được, mỗi ngày ông Mai đều nhờ các con đẩy xe lăn đưa mình ra trước nhà để ngồi nhìn trời đất bởi khi ở trong nhà, ông thấy ngột ngạt, khó thở.

Thời gian này, các con dành hết thời gian để chăm sóc ông. Anh Hoàng nói: “Nghỉ dịch mà, cũng có việc gì làm đâu. Ở nhà với ba được ngày nào hay ngày ấy, giờ chúng tôi cũng đâu biết làm gì để ba tôi khỏe hơn”.

"Vừa rồi, UBND phường có đến lấy thông tin để lập danh sách nhận hỗ trợ của chính phủ dành cho người mất việc bởi COVID-19. Chúng tôi sẽ dành khoản tiền này để đưa ba đi khám", chị An nói trong lúc quét dọn  chuẩn bị nâng sàn nhà chỗ ba nằm, để ông được ngủ ngon hơn do nhà không ngập nước. Dường như đó là tất cả những gì các con có thể làm cho ông ở thời điểm này.

Video: Người đàn ông da bọc xương gây xúc động cộng đồng mạng

Nhật Linh - Hải Linh

Tin mới