Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tìm thấy hóa thạch của loài khủng long 'óc tí hon' ở Scotland

(VTC News) -

Một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Scotland tình cờ phát hiện hóa thạch của loài khủng long 166 triệu năm tuổi khi đang chạy trên một bãi biển.

Nhà nghiên cứu Elsa Panciroli đang chạy trên bãi biển ở đảo Eigg thì phát hiện ra hóa thạch. Theo bản tóm tắt của nghiên cứu, đây có thể là phần xương của stegosaurus (thằn lằn gai) - một loài khủng long ăn thực vật. Khám phá này được xếp vào nhóm các phát hiện cực kỳ quan trọng. 

"Hóa thạch khủng long rất hiếm ở Scotland, trước đây hầu như chỉ được biết đến ở Nhóm Great Estuarine trên Đảo Skye", các nhà nghiên cứu cho hay. 

Hóa thạch được tìm thấy trên một tảng đá ở Scotland. 

Theo nhóm tác giả, sự hiện diện của stegosaurus ở Eigg bổ sung dữ liệu mới đáng kể đối với sự phân bố của khủng long trong thế thứ hai của kỷ Jura (kéo dài từ 176 đến 161 triệu năm trước) ở Scotland. 

Bà Panciroli cho biết các hóa thạch trong khoảng thời gian này rất hiếm trên toàn cầu, do đó nó càng trở nên quan trọng. 

Hóa thạch xương dài 50 cm, được tìm thấy trong một tảng đá trên bờ biển. Nó bị sóng đánh nhiều lần nhưng các nhà nghiên cứu nói họ vẫn còn rất nhiều điều để nghiên cứu. 

"Đó là khám phá khá tình cờ. Tôi đang chạy dọc theo bờ biển thì chạy qua nó. Khi đó tôi không rõ nó thuộc về sinh vật ở thời nào, nhưng chắc chắn đó là xương khủng long", bà Panciroli cho hay, 

Ông Steve Brusatte, đồng tác giả nghiên cứu cho biết phát hiện mới đây "rất đáng chú ý", nói thêm rằng ngay cả nhà địa chất học nổi tiếng thế kỷ 19 Hugh Miller cũng không tìm thấy xương khủng long trên Đảo Eigg trước đây.

“Hóa thạch này là bằng chứng bổ sung cho thấy những con stegosaur đi lang thang ở Scotland", ông này cho hay. 

Stegosaurus là một chi khủng long phiến sừng thuộc cận bộ Stegosauria, sống chủ yếu ở Tây Bắc Mỹ. Loài khủng long này dài 9m, có kích thước ngang với một xe buýt. Nhưng bộ não của nó rất nhỏ, chỉ bằng não của 1 con chó. 

Diệu Hoa

Tin mới